|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 3/8: Khối ngoại duy trì mua ròng trên cả 3 sàn khi VN-Index tăng hơn 18 điểm

16:30 | 03/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tăng hơn 18 điểm về cuối phiên, khối ngoại duy trì mua ròng trên 170 tỷ đồng toàn thị trường. Tâm điểm mua ròng vẫn là cổ phiếu SSI, nhưng bán ròng 214 tỷ đồng cổ phiếu VIC.

Mặc dù sắc xanh của chỉ số được duy trì trong phần lớn thời gian, đà hưng phấn cuối phiên ở cả nhóm bất động sản và ngân hàng là nhân tố chính kéo VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Kết phiên, VN-Index tăng 18,22 điểm (1,39%) lên 1.332,44 điểm, HNX-Index tăng 4,2 điểm (1,33%) lên 319,13 điểm, UPCoM-Index tăng 0,27% lên 87,59 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 481 mã tăng, 326 mã giảm và 825 mã tham chiếu. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 825,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 25.914 tỷ đồng, tăng hơn 9,5% so với phiên trước.

Trên sàn HOSE, khối ngoại duy trì mua ròng với giá trị 160,6 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 8.116.290 đơn vị cổ phiếu.

Phiên 3/8: Khối ngoại duy trì mua ròng trên cả 3 sàn khi VN-Index tăng hơn 18 điểm - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dòng tiền ngoại vẫn tập trung mua vào 122,2 tỷ đồng cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI, tăng 9% so với phiên trước. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng tại Top 10 mã được khối ngoại mua ròng trên HOSE. Cũng thuộc nhóm chứng khoán, cổ phiếu HCM của Chứng khoán HSC được mua ròng nhẹ hơn với 17,7 tỷ đồng.

Kế tiếp, lực mua tìm đến các nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và chứng chỉ quỹ ETF. Cụ thể, bộ ba cổ phiếu ngân hàng được mua ròng lần lượt là MBB (92 tỷ đồng), STB (76,6 tỷ đồng) và HDB (53,3 tỷ đồng). Theo sau, NĐT nước ngoài duy trì mua vào hơn 73,6 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes, với lực mua gấp 1,5 lần phiên trước.

Một số cổ phiếu cũng được khối ngoại mua ròng phải kể đến như MSN (40,6 tỷ đồng), GVR (18 tỷ đồng). Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và E1VFVN30 đồng thời được nước ngoài mua ròng 32,2 tỷ đồng và 20,4 tỷ đồng.

Phiên 3/8: Khối ngoại duy trì mua ròng trên cả 3 sàn khi VN-Index tăng hơn 18 điểm - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều bán, cổ phiếu VIC chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối ngoại với 214 tỷ đồng, tương đương hơn 1,8 triệu cổ phiếu. Sau khi thông báo ký kết với Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19, cổ phiếu VIC có lúc tăng trần trong phiên, đóng cửa ở mức 114.500 đồng/cp, tăng 6,51%. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất chịu áp lực xả ròng trên 100 tỷ đồng từ các NĐT ngoại.

Cùng chiều, lực bán xuất hiện tại các mã CTG (36,4 tỷ đồng), VCI (26,7 tỷ đồng), VRE (25,3 tỷ đồng). Dòng tiền bất ngờ đảo chiều bán ròng 18 tỷ đồng cổ phiếu của Hòa Phát ngay sau phiên mua ròng 70 tỷ đồng trước đó.

Theo sau, một số cổ phiếu cũng bị xả ròng dưới 20 tỷ đồng lần lượt là DGC (17,7 tỷ đồng), GAS (16,8 tỷ đồng), NLG (14,9 tỷ đồng), VNM (13,5 tỷ đồng), SZC (11,9 tỷ đồng).

Tại sàn HNX, khối ngoại tiếp diễn xu hướng mua ròng phiên thứ tư liên tiếp với giá trị giải ngân 9,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu VND vẫn dẫn dắt chiều mua ròng , tuy lực mua đã giảm dần. Cụ thể, mã này được mua ròng 6,6 tỷ đồng giảm mạnh so với quy mô giải ngân hơn 48 tỷ đồng phiên trước đó. Cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services bất ngờ trở lại thu hút 6,4 tỷ đồng mua ròng khi ngành bất động sản dậy sóng, theo sau là các mã KLF (1 tỷ đồng), NVB (574 triệu đồng, LAS (373 triệu đồng), CDN (366 triệu đồng)...

Chiều bán ròng, bộ ba thu hút lực xả ròng trên 1 tỷ đồng gồm có VCS của Vicostone (1,8 tỷ đồng), KHG của Khải Hoàn Land (1,4 tỷ đồng) và NBP của Nhiệt điện Ninh Bình (1,4 tỷ đồng). Theo sau, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn các cổ phiếu BVS (768 triệu đồng), PVS (555 triệu đồng), PMC (505 triệu đồng)....

Trên thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng nhẹ 817 triệu đồng, nhưng lại bán ròng về khối lượng 38.121 đơn vị cổ phiếu.

Tại chiều mua ròng, cổ phiếu VEA tiếp tục được mua ròng nhiều nhất 13,2 tỷ đồng, theo sau là ACV (5,9 tỷ đồng) sau khi được HNX đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Một số cổ phiếu cũng ghi nhận lực mua dưới 1 tỷ đồng gồm có BSR (681 triệu đồng), VTP (492 triệu đồng), MCH (201 triệu đồng), cùng các mã OIL, ADP, SGP, AAS...

Trái chiều, cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời bất ngờ vươn lên vị trí bán ròng nhiều nhất với 9,9 tỷ đồng. Theo sau, khối ngoại duy trì xả trên 7,6 tỷ đồng mã QNS, đồng thời rút ròng nhẹ hơn khỏi các cổ phiếu ABI (611 triệu đồng), NTC (506 triệu đồng), MML (347 triệu đồng), FOC (344 triệu đồng)....

Thảo Bùi