NĐT cá nhân chuyển bán ròng sau 4 tuần mua vào, tâm điểm xả hơn 5 triệu cổ phiếu VNM
Thị trường giao dịch giằng co, NĐT cá nhân chuyển bán ròng
Các chỉ số chứng khoán quốc tế mở cửa tuần trong sắc đỏ đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Mặc khác, việc thiếu vắng thông tin tích cực khiến giao dịch trên thị trường tiếp tục dao động đi ngang trong ngưỡng kháng cự 1.366 điểm và vùng hỗ trợ 1.316 điểm.
Điểm sáng là dòng tiền gia tăng ở nhóm cổ phiếu điện, nước và xăng dầu, khí đốt khi nhóm này tăng điểm tích cực nhờ giá dầu và giá khí tăng trên thị trường quốc tế. Ngược lại giao dịch tại nhóm ngân hàng và bất động có phần ảm đạm hơn khi chỉ số giá ngành duy trì biến động.
Đóng cửa tuần, VN Index giảm 16,28 điểm (1,20%) dừng lại ở 1.334,89 điểm, HNX-Index giảm 0,87% về mức 356,49, UPCoM-Index giảm 2,1% còn 95,98 điểm. Thanh khoản bình quân tại HOSE giảm 12,38% xuống mức 18.850 tỷ đồng, trong đó phiên 30/9 ghi nhận giá trị giao dịch thấp nhất trong 2 tháng qua, chỉ còn 13.216 tỷ đồng.
Sau 4 tuần mua ròng liên tiếp tại HOSE, dòng tiền suy yếu khiến các cá nhân chuyển vị thế bán ròng 196 tỷ đồng qua khớp lệnh. Tính chung giao dịch thỏa thuận, nhóm này chỉ mua ròng nhẹ 121 tỷ đồng. Giao dịch tích cực nhất trong tuần đến từ các tổ chức trong nước khi nhóm này đảo chiều mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, đóng vai trò hỗ trợ chỉ số duy trì ngưỡng hỗ trợ.
Đẩy mạnh bán ròng nhóm thực phẩm và đồ uống
Theo thống kê từ Fiinpro, quy mô dòng tiền suy giảm trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến giao dịch bán ròng xuất hiện tại 9/18 nhóm ngành. So với tuần trước, cá nhân trong nước đẩy mạnh lực bán tại nhóm thực phẩm và đồ uống, nâng giá trị rút ròng tuần qua lên mức 479 tỷ đồng, tăng 1,6 lần.
Nối tiếp, nhóm này đảo chiều rút ròng hơn 288 tỷ đồng tại nhóm bất động sản trong những nhịp điều chỉnh chung của cổ phiếu các doanh nghiệp địa ốc. Tương tự, nhóm này cũng thay đổi vị thế tại nhóm bán lẻ (119 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (61 tỷ đồng).
Ở nhóm dịch vụ tài chính, nhà đầu tư cá nhân trở lại gom ròng 439 tỷ đồng mặc dù nhóm này đã đánh mất hơn 1% giá trị toàn ngành. Diễn biến cùng chiều, cổ phiếu của các nhà băng cũng được mua ròng 176 tỷ đồng.
Thống kê tuần qua, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng tăng 1,95% nhưng chỉ số giá ngành giảm 3,91% cho thấy sức ép bán vẫn mạnh hơn cầu mua vào. Đáng chú ý, có tới 24/27 cổ phiếu ngân hàng giảm điểm trong tuần qua, trong đó VCB và CTG là hai mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index.
Hàng trăm tỷ đồng rút khỏi VNM, VHM, chuyển sang VIC và nhóm ngân hàng
Trong số 10 mã bị bán ròng nhiều nhất tại HOSE, giao dịch chủ yếu tập trung tại cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Mã này bị xả ròng 451 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tương ứng hơn 5 triệu đơn vị.
Đối ứng với các cá nhân, đây là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tuần qua gần 400 tỷ đồng. Theo thông báo từ Vinamilk, cổ đông ngoại F&N Dairy Investment Pte. Ltd. đã đăng ký mua vòa gần 20,9 triệu đơn vị cổ phiếu từ 22/9 đến 21/10. Nhiều khả năng đây là chính là giao dịch của cổ đông Singapore này.
Nối tiếp, lực xả ròng tập trung ở nhóm bất động sản với một số đại diện như VHM của Vinhomes (323 tỷ đồng), HDG (77 tỷ đồng), KBC (68 tỷ đồng). Cá nhân trong nước cũng thực hiện chốt lời 167 tỷ đồng ở cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen khi giá cổ phiếu đang trên vùng đỉnh.
Theo công bố mới đây, Hoa Sen ước tính doanh thu hợp nhất tháng 8/2021 đạt 4.701 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ và lãi ròng 320 tỷ đồng, tăng 47%. Thông tin trên đã giúp giá cổ phiếu HSG hồi phục tương đối tích cực sau phiên biến động đầu tuần.
Trở lại với giao dịch cá nhân, nhóm này còn tập trung bán ròng các cổ phiếu MWG (96 tỷ đồng), VHC (84 tỷ đồng), DCM (77 tỷ đồng), FPT và TPB (61 tỷ đồng)...
Mặc dù xả mạnh VHM, cổ phiếu VIC của Vingroup vẫn dẫn đầu chiều mua ròng với 166 tỷ đồng. So với tuần trước, giá trị giải ngân vào mã này đã giảm mạnh hơn 330 tỷ đồng.
Bên cạnh VIC, giao dịch mua ròng của các cá nhân tập trung phần lớn ở các cổ phiếu chứng khoán - ngân hàng với các đại diện lớn như VCB (142 tỷ đồng), CTG (124 tỷ đồng), SSI (117 tỷ đồng), HDB (111 tỷ đồng) và VND (90 tỷ đồng). Đây có thể xem là động thái bắt đáy của nhà đầu tư cá nhân khi nhóm này đã biến động mạnh trong tuần qua, với VCB và CTG là hai cổ phiếu nhà băng tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.
Đáng chú ý, cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng thu hút hơn 109 tỷ đồng mua ròng trong tuần ngành khí liên tục hưởng lợi từ đà tăng giá trên toàn cầu. Chỉ sau 5 phiên giao dịch, GAS đã tăng thêm 13,7%, đạt 103.500 tỷ đồng và là mức cao nhất trong vòng một năm qua.