|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 27/9 - 1/10: Khối ngoại tiếp tục bán ròng nghìn tỷ, xả nhóm ngân hàng và thép, mua ròng đột biến VNM

07:04 | 02/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch thiếu vắng thông tin tích cực, khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Dòng tiền ngoại có xu hướng rút khỏi nhóm vốn hóa lớn như thép, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản để tìm đến cổ phiếu thực phẩm đồ uống.

Thị trường biến động với thanh khoản suy yếu, khối ngoại duy trì bán ròng

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa tuần với một phiên giảm mạnh kể từ cuối tháng 8 trong bối cảnh thị trường thế giới biến động và các nhóm cổ phiếu trụ đồng thời kéo tụt chỉ sổ. Tuy đà giảm đã được bù đắp một phần bằng phiên hồi phục kế tiếp, thị trường tiếp tục nhịp sideway hẹp tích lũy quanh vùng 1.330 - 1.350 điểm trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tích cực.

Đóng cửa tuần (27/9 - 1/10), VN-Index có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm, mất đi 16,28 điểm tương đương 1,2% và dừng lại ở mức 1.334,89 điểm.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 18.850 tỷ đồng, giảm 12,38% so với tuần trước đó. Tâm lý nhà đầu tư không quá lạc quan khiến thanh khoản sụt giảm, trong đó thanh khoản khớp lệnh trên HOSE phiên 30/9 chỉ còn 13.216 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong vòng 2 thắng vừa qua.

Khối ngoại  - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Điểm sáng trong giao dịch khối ngoại là nhóm này đã đảo chiều mua ròng trên toàn thị trường trong phiên 28/9, trong đó mua ròng hơn 486 tỷ đồng tại HOSE. Tuy vậy, lực rút vốn trong những phiên còn lại khiến xu hướng giao dịch trong tuần vẫn nghiêng về phía bán.

Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.012 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh hơn 1.005 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên cuối tuần (1/10), nhóm này giao dịch qua kênh thỏa thuận gần 5.109 tỷ đồng, tâm điểm trao tay hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30.

Tính riêng kênh khớp lệnh, các cổ phiếu nhóm thực phẩm đồ uống là tâm điểm mua ròng tuần qua, thu hút gần 358 tỷ đồng vốn ngoại và tăng gấp 2,9 lần so với tuần trước đó. Nối tiếp, nhóm này mua ròng chưa tới 40 tỷ đồng tại một số nhóm gồm bán lẻ, hàng cá nhân & gia dụng,....

Trái lại, vị thế bán ròng vẫn được duy trì tại 11/18 nhóm ngành, tập trung chủ yếu ở các đại diện vốn hóa lớn như tài nguyên cơ bản (344 tỷ đồng), ngân hàng (339 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (270 tỷ đồng), bất động sản (218 tỷ đồng), hóa chất (104 tỷ đồng),...

Tại HOSE: Duy trì xu hướng bán ròng, VNM hút vốn mạnh

Thống kê tại sàn HOSE, khối ngoại bán ròng về giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó bán qua khớp lệnh là 1.005 tỷ đồng, gần tương đương so với tuần trước đó.

Giao dịch rút ròng tập trung phần lớn tại cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 370 tỷ đồng. Tính riêng trong phiên 1/10, hơn 8,9 triệu cổ phiếu HPG cùng nhiều bluechips đã được sang tay ở mức giá sàn.

Theo tìm hiểu, nhiều khả năng giao dịch này đến từ việc một tổ chức từ Nhật Bản có tên Aizawa Securities Co., Ltd. chuyển nhượng cổ phiếu tại Việt Nam cho công ty con nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quản trị công ty và tuân thủ quy định của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Nối tiếp, dòng vốn ngoại rút ròng hơn 160 tỷ đồng khỏi cổ phiếu VIC của Vingroup, theo sau bán ròng nhóm ngân hàng với các đại diện VCB (133 tỷ đồng), HDB (126 tỷ đồng), CTG (90 tỷ đồng)...

Thống kê trong tuần, ngân hàng cũng là nhóm tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 1,2% giá trị của chỉ số. Một số cổ phiếu biến động tiêu cực nhất lần lượt là VCB, CTG, VPB, VIB, TCB, MBB, STB....

Về giao dịch chứng chỉ quỹ, trong tuần thị trường biến động, chứng chỉ ETF tham chiếu VN30-Index là E1VFVN30 cũng bị nhà đầu tư ngoại rút ròng hơn 106 tỷ đồng, tương đương hơn 4,3 triệu đơn vị.

Khối ngoại  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận quy mô mua ròng lớn nhất trong tuần với 403 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu được thực hiện trong phiên cuối tuần khi mã này được gom mua hơn 2,6 triệu đơn vị.

Mặc dù rút ròng mạnh khỏi HPG, khối ngoại lại mua ròng 82 tỷ đồng cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Nối tiếp, giao dịch tích cực cũng xuất hiện tại một số mã như VHC (76 tỷ đồng), DCM (76 tỷ đồng), HCM (58 tỷ đồng), VHM (43 tỷ đồng)...

Tại HNX: Quy mô bán ròng giảm mạnh

Thống kê tại HNX, khối ngoại mua vào với giá trị 168,3 tỷ đồng và bán ra 177,8 tỷ đồng. Mặc dù tiếp tục xu hướng bán ròng trên sàn này với 9,5 tỷ đồng, điểm tích cực là quy mô rút ròng đã giảm mạnh hơn 115 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone tiếp tục là mã bị rút ròng nhiều nhất, tuy nhiên quy mô bán ròng chỉ còn 10,3 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với tuần trước. Theo công bố ngày 27/9, Vicostone ước tính tăng trưởng lợi nhuận quý III so với cùng kỳ đạt hơn 20%.

Theo sau, khối ngoại bán ròng 8,8 tỷ đồng cổ phiếu PGS của CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam. Mặc dù chịu áp lực chốt lời mạnh, PGS vẫn tăng hơn 25% chỉ sau một tuần nhờ hưởng lợi từ diễn biến tích cực của giá khí trên toàn cầu.

Khối ngoại  - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng lớn nhất tập trung ở các cổ phiếu THD (12,6 tỷ đồng), SHB (6,1 tỷ đồng), PVI (4,3 tỷ đồng), MBG (3,1 tỷ đồng)...Nhìn chung, quy mô mua bán ròng của nhà đầu tư ngoại tại HNX không có sự chênh lệch lớn trong tuần qua.

Tại UPCoM: Đảo chiều bán ròng sau nhiều tuần mua gom

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại chấm dứt xu hướng mua ròng kể từ tháng 8 bằng một tuần bán ròng về giá trị với 4,9 tỷ đồng.

Danh mục bán ròng của nhóm này không có nhiều biến động, với việc top3 cổ phiếu bị rút ròng mạnh nhất vẫn là VEA, QNS và BSR. Tuy vậy, quy mô bán ròng tại những mã này đều tăng so với tuần trước, lần lượt là 17,8 tỷ, 12,1 tỷ và 5,4 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng đồng thời SIP và LTG với giá trị 1,6 tỷ đồng.

Khối ngoại  - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, cổ phiếu ACV của Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam thu hút 8,7 tỷ đồng mua ròng, giảm 50% so với tuần liền trước. Danh mục mua ròng kế tiếp có sự xuất hiện của CLX (6,8 tỷ đồng), QTP (5,1 tỷ đồng), VTP (2,3 tỷ đồng)...

Thảo Bùi