|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một tổ chức Nhật Bản muốn cắt lỗ PAN sau hơn 3 năm mua vào với giá 61.000 đồng/cp

08:10 | 01/10/2021
Chia sẻ
Ước tính SOJITZ Corporation sẽ thu về 294 tỷ đồng nếu hoàn tất giao dịch. Cũng trong tháng 10, một cổ đông ngoại lớn khác đã đăng ký bán ra hơn 2 triệu đơn vị sau khi giao dịch không hoàn tất vào tháng 9.

Mới đây, SOJITZ Corporation, tập đoàn đa ngành của Nhật Bản đã đăng ký bán ra 10,5 triệu cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,68% vốn điều lệ (20,93 triệu cp) xuống mức 4,82% (10,43 triệu đơn vị).

Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 7/10 đến ngày 5/11 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu hoàn tất, SOJITZ Corporation sẽ không còn là cổ đông lớn tại PAN Group.

Theo tìm hiểu, tháng 9/2018, Tập đoàn PAN đã phát hành riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược  - SOJITZ Corporation với giá 61.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, đối tác Nhật Bản này đã chi ra khoảng 817,4 tỉ đồng. 

Trừ khi khoản cổ tức tiền mặt 5% nhận được vào đầu năm nay, theo ước tính của người viết, giá vốn cổ phiếu PAN của nhà đầu tư Nhật Bản này khoảng 38.500 đồng/cp. Hiện cổ phiếu PAN đang giao dịch trên sàn với giá 28.000 đồng/cp. Theo đó, nhà đầu tư Nhật Bản có thể lỗ hơn 25% sau hơn 3 năm nắm giữ.

Thông tin thêm, không chỉ SOJITZ, một cổ đông ngoại lớn khác của PAN là Tael Two Partners Ltd cũng đã đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu từ cuối tháng 8 nhưng chỉ bán được 920.000 đơn vị do điều kiện thị trường không thuận lợi. Tael Two Partners đã tiếp tục đăng ký bán số lượng cổ phiếu còn lại (2,08 triệu đơn vị) từ ngày 29/9 đến 26/10 để thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư.

Thêm một cổ đông ngoại muốn bán ra 10,5 triệu cổ phiếu PAN - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu PAN kể từ cuối năm 2019. (Nguồn: TradingView).

Điểm qua về tình hình kinh doanh sau 6 tháng đầu năm, PAN Group ghi nhận doanh thu 3.960 tỷ đồng, lãi ròng đạt 160 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 69% so với cùng kỳ năm trước.

Đà tăng của lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng trong doanh thu mảng giống cây trồng, gạo đóng gói, tôm xuất khẩu và bánh kẹo, khi nhu cầu tăng cao trở lại và điểm tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa được khai thông trong nửa đầu năm. Ngoài ra, lãi ròng tăng mạnh còn nhờ tiết giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn cung và đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng có hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2021, PAN đặt kế hoạch doanh thu thuần 10.025 tỷ đồng, lãi sau thuế 419 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,4% và 25,7% so với kết quả thực hiện trong năm 2020. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện được 38% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Thảo Bùi