Nasdaq tăng phiên thứ 5 liên tiếp sau báo cáo việc làm quan trọng
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,12% lên 11.635 điểm và đánh dấu phiên đi lên thứ 5 liên tiếp. Trong phiên, có lúc chỉ số này đã giảm tới 1,2%.
S&P 500 có thời điểm giảm hơn 33 điểm nhưng kết phiên chỉ còn giảm hơn 3 điểm, tương đương 0,08%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc mất 172 điểm nhưng đến cuối phiên mức giảm chỉ còn 46 điểm, tương đương 0,15%, và dừng lại ở 31.338 điểm.
Theo CNBC, đây là lần đầu tiên trong năm 2022 Nasdaq Composite tăng 5 phiên liên tiếp. S&P 500 chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tục, còn Dow Jones dứt chuỗi đi lên ba phiên liền nhau.
Báo cáo do Cục Thống kê Lao động công bố ngày 8/7 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 372.000 việc làm trong tháng 6, thấp hơn con số 390.000 của tháng 5 nhưng khả quan hơn đáng kể so với mức 250.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Ông Yung-Yu Ma, Giám đốc chiến lược đầu tư tại BMO Wealth Management, cho rằng báo cáo việc làm tích cực và việc giá hàng hóa suy giảm thời gian gần đây đã khiến cho kịch bản nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” có khả năng xảy ra cao hơn, nhờ vậy mà giá các chỉ số chứng khoán đi lên.
“Hạ cánh mềm” là cách nói hàm ý Mỹ kiểm soát được lạm phát đang ở đỉnh 4 thập kỷ nhưng không khiến nền kinh tế suy thoái. Tính chung tuần vừa qua, Nasdaq tăng 4,6% trong khi S&P 500 tăng 1,9% và Dow Jones thêm 0,8%.
“Một phần những lo ngại suy thoái nghiêm trọng đã hạ nhiệt. Tôi nghĩ thị trường tuần này đã thấy kịch bản nền kinh tế tránh được suy thoái có khả năng xảy ra cao hơn đôi chút”, ông Yung-Yu Ma nhận định.
Cổ phiếu y tế tăng vượt trội trong phiên cuối tuần 8/7 với Centene Corp. và McKesson đều tăng hơn 3%, Moderna và Regeneran cùng đi lên hơn 2%.
Đại gia xe điện Tesla tăng 2,5%. Cổ phiếu của các hãng sản xuất chip và an ninh mạng cũng diễn biến khả quan, giúp cho công nghệ trở thành một trong hai nhóm đóng cửa với sắc xanh, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. ON Semiconductor thêm 2,8%, Fortinet đi lên 1,8%.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ bật tăng mạnh sau khi báo cáo việc làm tháng 6 được công bố. Việc lợi suất đi lên có thể làm hạn chế đà tăng của giá cổ phiếu.
Lợi suất kỳ hạn 2 năm tiếp tục ở trên mức kỳ hạn 10 năm, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư coi hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược này là dấu hiệu của một cuộc suy thoái.
- TIN LIÊN QUAN
-
'Giải mã' hai dấu hiệu suy thoái kì lạ: Đường cong lợi suất đảo ngược và lợi suất âm đáng sợ đến đâu? 16/08/2019 - 12:03
Số việc làm tăng cao trong tháng 6 là dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc thị trường lao động vững mạnh sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát.
Fed được Quốc hội Mỹ giao hai nhiệm vụ là kiểm soát lạm phát và tối đa hóa việc làm. Khi tình hình việc làm đang tốt, Fed sẽ có dư địa để thắt chặt tiền tệ nhằm hạ nhiệt giá cả. Ngược lại, nếu thị trường lao động gặp khó khăn, Fed sẽ phải xem xét dừng tăng hoặc thậm chí là giảm lãi suất để kích thích kinh tế.
CNBC dẫn lời ông Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư của State Street Global Advisors, nhận định: “Trong thị trường ngày hôm nay, tin tốt cũng là tin xấu. Nhà đầu tư không thể mong đợi gì hơn từ báo cáo lao động tháng 6: Việc làm tăng trên diện rộng, tỷ lệ thất nghiệp thấp, con số tốt vượt kỳ vọng. Tiền lương đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Đây là tin tốt, nhưng thị trường gần như phớt lờ tất cả vì suy cho cùng thì Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản”.
Giá cổ phiếu Twitter sụt 5% và là một trong số những mã giảm sâu nhất trong S&P 500 sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố dừng thương vụ mua lại công ty mạng xã hội này.
Tại châu Á và châu Âu, đa phần chỉ số đóng cửa phiên 8/7 trong sắc xanh, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Thị trường chứng khoán Nhật Bản thu hẹp đà tăng sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát bằng súng và tử vong.