|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nasdaq mất hơn 2% khi cổ phiếu Nvidia giảm 10% trong một phiên

07:39 | 20/04/2024
Chia sẻ
Nasdaq Composite và S&P 500 cùng giảm trong phiên 19/4 khi một loạt cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Nvidia, gặp khó khăn.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 19/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 211 điểm, tương đương 0,56% và kết thúc ở mức 37.986 điểm. Chỉ số blue-chip đã được nâng đỡ nhờ mức tăng hơn 6% của American Express sau báo cáo kết quả kinh doanh.

Ở chiều ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,05% xuống 15.282 điểm. S&P 500 giảm 0,88% và chốt phiên với 4.967 điểm. Cả hai chỉ số này đều trải qua phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tiêu cực dài nhất kể từ tháng 10/2022. 

 

Phiên 19/4, cổ phiếu Netflix đã giảm hơn 9% mặc dù đã công bố kết quả kinh doanh vượt trội về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Số lượng người đăng ký của nền tảng phát trực tiếp này đã tăng 16% so với năm trước, tuy nhiên Netflix tuyên bố sẽ ngừng công bố dữ liệu trên kể từ năm 2025.

Cổ phiếu VinFast (VFS) vẫn tiếp tục trượt thêm 7,01%, xuống 2,52 USD/cp, tương ứng mức vốn hóa là 5,9 tỷ USD.

Cổ phiếu bán dẫn cũng chịu áp lực lớn trong phiên chiều. Cổ phiếu Nvidia giảm 10%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Cổ phiếu Super Micro Computer, công ty sản xuất lắp ráp máy chủ phục vụ lĩnh vực AI, theo đó cũng giảm hơn 23%. 

Đợt bán tháo trong phiên 19/4 thổi bay khoảng 212 tỷ USD khỏi vốn hóa Nvidia. 

Trong khi công nghệ gây áp lực lên thị trường, phần lớn những lo ngại của nhà đầu tư về việc gia tăng xung đột tại Trung Đông đã biến mất sau cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Iran. 

Giá dầu nhanh chóng tăng hơn 3%, nhưng sau đó đã dao động quanh mức mở cửa. Hợp đồng tương lai của Dow Jones từng có thời điểm mất hơn 500 điểm do những lo ngại rằng cuộc tấn công có thể châm ngòi cho chiến tranh.

Ông George Ball, Chủ tịch của Sanders Morris, nhận định: “Có tiếng thở phào nhẹ nhõm” khi các nhà đầu tư nhận ra phản ứng của Israel là “hạn chế” và nhằm tránh leo thang căng thẳng. 

Tuy nhiên, “các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng”, ông nói. “Nhà đầu tư ngày nay nhận thức rõ hơn nhiều về rủi ro địa chính trị trong quá trình ra quyết định so với trước đây”.

S&P 500 vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 khi xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về xu hướng lạm phát và chính sách tiền tệ. Với mức giảm hơn 3%, đây là tuần tiêu cực thứ ba liên tiếp của chỉ số này. 

Một phần áp lực giảm điểm tới từ các cổ phiếu công nghệ, khi đây là lĩnh vực đang có kết quả tệ nhất trong S&P 500. So với mức đỉnh, S&P 500 đang giảm hơn 5%. 

Nhóm cổ phiếu công nghệ đang kéo lùi S&P 500 trong những phiên gần đây.

Một lý do khác thúc đẩy thị trường đi xuống là sự thay đổi kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện dự báo Fed sẽ đợi tới ít nhất là tháng 9 để giảm lãi suất, thay vì tháng 6 hoặc tháng 3 như những kỳ vọng trước đây. 

Ông Bill Northey, Giám đốc đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết: “Thị trường đang cố gắng giải quyết một số xu hướng trái ngược”. Lạm phát “có chút vấn đề hơn những gì tôi, thị trường hoặc thậm chí Fed mong đợi”. 

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã mất 5,5% trong tuần này, đánh dấu tuần tiêu cực thứ 4 liên tiếp và chuỗi tiêu cực dài nhất kể từ tháng 12/2022. Ngoài ra, tuần qua cũng là 5 phiên tệ nhất của Nasdaq Composite kể từ tháng 11/2022. 

Với sự phục hồi hôm 19/4, chỉ số Dow Jones đã tăng 0,01%, đánh dấu tuần tích cực đầu tiên sau trong ba tuần vừa qua. 

Sự phục hồi trong phiên 19/4 đã giúp Dow Jones có được một tuần tích cực. 

Minh Quang

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.