|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nâng tuổi nghỉ hưu: Ai thích sử dụng lao động lớn tuổi?

12:15 | 08/07/2019
Chia sẻ
Các chủ lao động cũng không mong muốn sử dụng người lao động lớn tuổi vào lao động trực tiếp, bản thân người lao động cũng không mong muốn, nên năng suất lao động không cao


Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và người lao động (NLĐ) và cán bộ Công đoàn.

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ: Công đoàn đồng tình chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu và tăng khung giờ làm thêm, song thực sự cũng rất trăn trở, rất "nghẹn ngào".

Ông Hiểu cho biết, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra khi Việt Nam đang có nhiều xáo trộn về thị trường lao động. Trong khu vực Nhà nước, việc tinh giản biên chế khiến mỗi năm dư thừa hàng nghìn lao động. Ở khu vực doanh nghiệp, việc sa thải lao động nữ ở độ tuổi 40 ngày càng diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn hàng triệu lao động thất nghiệp. "Thực tiễn cho thấy, hầu hết các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là những quốc gia thiếu lao động. Nhưng Việt Nam vẫn đang thừa lao động. Cần lưu ý là nước ta dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế, nhiều lao động mất việc. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trẻ cũng còn khó khăn, mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân"- ông Hiểu, bày tỏ.

Nâng tuổi nghỉ hưu: Ai thích sử dụng lao động lớn tuổi? - Ảnh 1.

Công nhân lớn tuổi ở Công ty TNHH Splendour, KCN Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai). Ảnh do công nhân cung cấp

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao động, nhiều bạn đọc cũng đồng tình với quan điểm trên. Bạn đọc T.L viết: "Đại biểu Hiểu nói đúng. Dân số có già nhưng không khỏe,năng lực không bằng người già các nước phát triển. Trong khi đó dân số trẻ that nghiệp quá nhiều, cứ nhìn đội ngũ xe ôm công nghệ ngày một đông thì rõ. Phải có kế hoạch khác cân bằng quỹ hưu chứ không thể tăng tuổi hưu nhất là phân biệt giới tính. Nữ tăng 5 năm trong khi nam tăng chỉ có 2 năm.

Tương tự, bạn đọc Hung Po, bày tỏ: "Là người lao động (NLĐ) chân tay, trực tiếp thì không mong muốn tăng tuổi nghĩ huu. Thú thật tôi muốn giảm đi nứa kìa, Nam chỉ 58 tuổi thôi". Bạn đọc Trần Quốc Đạt, gay gắt: "Những ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu nên cho họ làm công việc trưc tiếp như thợ lò, vệ sinh môi trường, xây dựng... một thời gian để họ trải nghiệm thực tế".

Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Trần Ai, đặt câu hỏi: "Khoa học phát triển, xã hội phát triển thì máy móc thay thế sức lao động cho con người thì phải giảm tuổi lao động mới phải chứ, sao lại tăng?".

Bạn đọc có nicknam hoale, góp ý: "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp phải giải quyết sao đây? Lại còn việc tinh giảm biên chế nữa, người đang có việc làm còn không biết khi nào mình bị tinh giảm huống hồ là sinh viên mới ra trường". Một bạn đọc tên Nguyễn thì cho rằng nếu điều kiện sống tốt, điều kiện làm việc tốt thì NLĐ mới mong ở lại tiếp tục làm việc, đằng này lo lắng đủ thứ cho cuộc sống và công việc thì ai còn sức khoẻ và mong muốn làm việc, sau thời gian làm việc là ai cũng mong muốn xả stress sau một ngày mệt mỏi và lăn ra ngủ để mai lại đi cày.

Riêng bạn đọc Nguyễn Sơn thì khẳng định chắc nịch: "Nếu lấy ý kiến giáo viên- từ mẫu giáo đến THPT- thì 100% không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu cả".

An Khánh