Tiếp tục tranh luận về tăng tuổi nghỉ hưu
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thảo luận tại tổ chiều 29.5ẢNH: NGỌC THẮNG
Hơn 1 triệu lao động thất nghiệp mỗi năm, sao lại tăng tuổi hưu?
Thảo luận tại tổ về dự án bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi chiều 29.5, đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ VN, cho rằng thực tế các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu là quốc gia thiếu LĐ trong khi chúng ta mỗi năm có hơn 1 triệu LĐ thất nghiệp, lại đang trong thời kỳ giảm biên chế. Tại VN chủ yếu là LĐ nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp để làm việc khi đã lớn tuổi. Chủ LĐ cũng không muốn sử dụng người lớn tuổi vào LĐ trực tiếp, người lao động (NLĐ) cũng vậy nên nếu tăng tuổi hưu, năng suất LĐ sẽ không cao. Ngược lại, người trẻ mà thiếu việc làm, hậu quả xã hội sẽ rất lớn.
ĐB TP.Hà Nội cũng cho rằng, hồ sơ dự án luật chưa có cụ thể ngành nghề tăng tuổi hưu, ngành nghề được quyền nghỉ hưu sớm, chỉ nói tăng là tăng, làm ĐB rất khó có ý kiến và đề xuất chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, phần lớn viên chức (trừ những ngành đặc thù như giáo viên mầm non, vận động viên...) và những ngành đặc thù (LĐ trình độ cao), còn không tăng với những NLĐ trực tiếp. ĐB Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng ban soạn thảo đưa ra đề xuất mà chưa có cơ sở khoa học. "Tôi chỉ đồng ý là hiện nay đến 62 tuổi, người VN vẫn còn rất khỏe mạnh, nhưng không phải vì thế mà tăng tuổi hưu lên 62. Việc này còn tác động đến hàng triệu LĐ bị dư ra, gánh nặng xã hội là cực kỳ lớn. Tôi tin Bộ LĐ-TB-XH phải có phương án tính toán, nhưng phải cung cấp cho ĐB để có đầy đủ cơ sở quyết định", ĐB Thanh phát biểu.
Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lại cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế cho thấy với tuổi nghỉ hưu hiện tại (nam 60, nữ 55) vẫn có 42% NLĐ sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường LĐ. Lương hưu của NLĐ hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn. Việc tăng tuổi hưu cũng giúp VN có thể chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hóa dân số sắp diễn ra.
"Tại sao việc tăng tuổi nghỉ hưu về kinh nghiệm quốc tế, đạo lý, định hướng rất đúng mà lại có nhiều ý kiến phản đối? Tôi cho rằng là do cơ quan truyền thông và cơ quan soạn thảo chưa làm cho người dân hiểu được vấn đề này", ông Lợi nói và cho biết, không phải ai cũng về hưu ở tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam như dự thảo. Tuổi hưu 60 đối với nữ và 62 đối với nam chỉ dành cho những người làm việc trong điều kiện LĐ bình thường. Nhóm những NLĐ trong lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc, độc hại hay những ngành nghề suy giảm khả năng LĐ cơ bản vẫn nghỉ hưu từ 55 đối với nữ và 60 đối với nam, thậm chí có thể nghỉ từ 50 tuổi. Nhóm những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có trình độ quản lý thì có thể kéo dài thêm thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu cũng cho rằng, luật này chỉ là quy định LĐ nói chung còn các đối tượng, ngành nghề khác nhau hiện vẫn có quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau.
"Chẳng hạn như hiện nay tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND tối cao hay kiểm sát viên Viện KSND tối cao là 65 tuổi nhưng cũng quy định rõ là từ tuổi 60 trở đi thì không giữ chức vụ quản lý nữa nhưng vẫn là thẩm phán và kiểm sát viên. Ngành công an, quân đội cũng quy định rất khác nhau về tuổi nghỉ hưu căn cứ theo cấp hàm...", ông Lưu dẫn chứng và nhấn mạnh, ông đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu nhưng phải có lộ trình tăng vì đây là xu thế của thế giới trước sự già hóa dân số và bảo đảm an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay.
Tăng giờ làm thêm phải trả lương lũy tiến
Về đề xuất tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm của dự thảo mà Chính phủ trình ra QH, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng liên đoàn LĐ VN đã đồng ý, "mặc dù hết sức buồn và cũng nghẹn ngào, vì với tư cách đại diện cho quyền lợi NLĐ, hiếm có tổ chức công đoàn nào trên thế giới đồng ý tăng giờ làm thêm". Lý do của việc vẫn đồng ý tăng dù nghẹn ngào, theo ông Hiểu, là vì NLĐ VN lương rất thấp, không tăng giờ làm thêm thì không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu. Mặt khác, trên thực tế vẫn có nhiều nơi lách luật, huy động thêm giờ làm, dù luật chưa cho phép.
"Chúng tôi chia sẻ, nhưng vẫn đề xuất dứt khoát phải nghiên cứu để xây dựng phương án trả lương lũy tiến. Ví dụ làm thêm giờ thứ nhất là 5 USD thì giờ thứ 2 phải 6, 7 USD. Vì sao, vì rõ ràng chi phí để tái sản xuất sức LĐ của những giờ làm thêm là cao hơn, vì càng làm thêm nhiều giờ thì nguy cơ tai nạn LĐ càng cao và cũng tránh doanh nghiệp huy động làm thêm quá cao và ít tuyển LĐ mới", ông Hiểu nói.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi thảo luận tại tổ cho rằng, việc tăng giờ làm thêm quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích của NLĐ theo nguyên tắc nếu không có sự đồng ý của NLĐ thì chủ doanh nghiệp không có quyền bắt NLĐ phải làm việc. Ông Lưu cũng đề nghị phải quy định rõ việc tăng giờ làm thêm chỉ hạn chế trong những lĩnh vực nhất định, đồng thời tính toán để việc tăng giờ làm thêm không ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ. Ông Lưu cho rằng nên quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức NLĐ và công đoàn trong việc tham gia vào thỏa thuận về việc làm thêm giờ chứ không nên chỉ là thỏa thuận riêng của NLĐ và chủ doanh nghiệp.