|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải xét ngành, nghề đặc thù

06:59 | 18/05/2019
Chia sẻ
Nhiều ý kiến đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cho rằng phải có lộ trình và phải tính toán đối với các ngành, nghề đặc thù.

Chiều 17-5, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo dự kiến được đưa ra trình Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20-5 tới.

Không gây sốc cho thị trường lao động

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung thảo luận vào các vấn đề như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, đổi giờ làm...

Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải xét ngành, nghề đặc thù - Ảnh 1.

Đa số công nhân trực tiếp sản xuất không muốn tăng tuổi nghỉ hưu Ảnh: HỒNG ĐÀO

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Chế độ BHXH tỉnh Quảng Nam, cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là việc cần tính đến nhưng phải có lộ trình. Ông Hùng đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu như phương án 1; riêng đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì nên giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Đồng quan điểm đó, ông Trần Quốc Quân, Phó Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Nam, cũng chọn phương án 1 và cho rằng phương án này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 28-5-2018 về cải cách chính sách BHXH. Ông Quân nhìn nhận lộ trình điều chỉnh như vậy sẽ giúp NLĐ và chủ sở hữu lao động có thời gian thích nghi và không gây sốc cho thị trường lao động.

Còn ông Trần Đình Lân, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Quảng Nam, cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu phải thực hiện theo Nghị quyết đã được thông qua nhưng cần phải xem xét từng ngành nghề cụ thể. Theo ông Lân, cần tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề như nghiên cứu khoa học để tận dụng chất xám của họ nhưng phải xem xét với các nghề đặc thù như giáo viên mầm non hay may mặc, nếu tăng tuổi lên 55-60 thì họ có còn đủ sức khỏe, sự minh mẫn để làm việc hay không. Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, cũng đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng cần căn cứ lĩnh vực, ngành nghề cụ thể và phải để NLĐ có quyền quyết định được thời gian nghỉ hưu khi nhận thấy không còn đủ sức khỏe.

Ông Phan Dương Nhựt, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tam Kỳ, nhìn nhận hiện nay lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp đang bị dư thừa, bộ máy hoạt động không hiệu quả, sinh viên ra trường không có việc làm nên việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giảm đi cơ hội của những tài năng trẻ. Ông Dương Tấn Ó, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, đề xuất cần có thêm phương án 3 là giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Ông Ó cho rằng hiện nay lực lượng lao động, đặc biệt sinh viên trẻ ra trường đầy hoài bão nhưng không có việc làm. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ.

Kiểm soát chặt chẽ việc tăng ca

Ngoài vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đề xuất mở rộng khung làm việc tối đa, tăng thêm 100 giờ làm thêm so với hiện nay (từ 300 giờ lên 400 giờ/năm) cũng được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Ông Phan Minh Á, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận rằng việc tăng giờ làm thêm là đi ngược với xu thế hiện nay. Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp muốn tận dụng nguồn lao động trẻ, rẻ nên thường ép buộc NLĐ tăng ca, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Vì vậy, trong việc làm thêm giờ, phải giữ quy định chủ sử dụng lao động phải thỏa thuận với NLĐ, khi NLĐ đồng ý mới được tăng ca.

Ông Phan Dương Nhựt nhận định việc mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm là cần thiết để bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất nhằm tạo sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng việc tăng ca nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của NLĐ nên cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với việc tăng ca.

Ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, góp ý: Trên thực tế có nhiều lao động không muốn tăng ca nhưng bị chủ sử dụng lao động ép buộc bằng các hình thức khác nhau. Cách đây vài hôm, công nhân của một công ty dệt may trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã nhắn tin cho biết công ty thường ép công nhân tăng ca đến 20 giờ, chỉ khi nào có cơ quan chức năng đi kiểm tra thì các công nhân mới được về đúng giờ. Qua câu chuyện này, ông Quang kiến nghị cần phải kiểm soát, có quy định chặt chẽ về giờ làm thêm để tránh ảnh hưởng sức khỏe của NLĐ.

Về vấn đề thay đổi giờ làm, dù sáng cùng ngày Bộ LĐ-TB-XH đã bỏ đề xuất thống nhất giờ làm trên cả nước nhưng nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng không nên đưa vào luật và giờ làm nên để các địa phương quyết định, tùy thuộc vào điều kiện địa lý, thời tiết ở những nơi đó... 

Bỏ đề xuất giờ làm việc thống nhất trên cả nước

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết đã ký tờ trình điều chỉnh một số nội dung của tờ trình Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trước khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Nổi bật nhất là việc bỏ đề xuất thống nhất giờ làm việc trong cả nước. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban Soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), cho biết đây là một bộ luật lớn, lần sửa đổi này gần như toàn diện (với 221 điều, giảm 21 điều so với bộ luật hiện hành) với nhiều nội dung mới, cần phải được bàn kỹ lưỡng, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người lao động, phù hợp với pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Về việc ký văn bản điều chỉnh lại tờ trình về nội dung thống nhất giờ làm việc trong cả nước trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây, trả lời câu hỏi về lý do phải điều chỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Với tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến của nhân dân, Ban Soạn thảo đã tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế".

V.Duẩn

TRẦN THƯỜNG

Trần Thường