|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nâng tuổi nghỉ hưu: Có lo người trẻ bị hạn chế việc làm?

07:40 | 09/05/2019
Chia sẻ
Theo dự thảo luật Lao động sửa đổi, từ năm 2021 sẽ tiến hành nâng dần theo lộ trình tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi.

Theo đó, phương án 1 là kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Nâng tuổi nghỉ hưu: Có lo người trẻ bị hạn chế việc làm? - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi nghiêng về phương án 1, tăng chậm hơn để tránh cú sốc trong thị trường lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Chính phủ đã có tờ trình chính thức đề nghị sửa đổi Luật Lao động năm 2012, trong đó có nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021. Chính phủ cũng đã đưa ra rất nhiều cơ sở khoa học và đánh giá tác động một phần về việc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình vào năm 2021. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đến thời điểm này, nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với điều kiện của Việt Nam cả về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

PV: Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, trong đó đưa ra 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu, ông có bình luận gì về nội dung này, thưa ông?

Có 4 lý do: Thứ nhất, dân số Việt Nam đang chuyển sang thời kỳ dân số vàng. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là nam hiện nay là 76,6 tuổi, trong đó, tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi.

Thứ 2, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế trong đó có vấn đề đảm bảo bình đẳng giới theo công ước CEDAW.

Thứ 3, Việt Nam cũng cần từng bước tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo không xáo trộn thị trường lao động, không gây áp lực cho thị trường mà tạo ra cơ hội làm việc cho người lao động.

Thứ 4, tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với tăng tích lũy của người lao động. Khi họ đang làm việc, tham gia BHXH, nếu nâng tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ có mức lương hưu cao hơn. Hiện nay thu nhập khi về hưu của người lao động rất thấp.

Về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tôi đồng tình với phương án 1, tăng chậm để tránh tạo ra cú sốc trong thị trường lao động.

PV: Hiện nay xảy ra tình trạng sa thải lao động trong độ tuổi từ 35-40 đang diễn ra tại một số địa phương, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, kết hợp với những thay đổi trong luật BHXH có ảnh hưởng đến nhóm lao động này không, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Vấn đề này cần đánh giá khách quan. Hiện nay có tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động rất nhiều, tuy nhiên không chỉ lao động nữ mà có cả nam giới. Việc này có nguyên nhân do người lao động nhảy việc. Còn việc các doanh nghiệp sa thải  vẫn có, nhưng tỷ lệ không cao. Đây là hiện tượng cần chấn chỉnh kịp thời.

Ở một góc nhìn khác, việc sa thải, chấm dứt hợp đồng trong bối cảnh hiện nay cũng là đương nhiên, tạo ra môi trường linh hoạt năng động để các chủ doanh nghiệp tổ chức sản xuất lại, tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là yếu tố bất lợi, nhưng cũng có 2 mặt.

PV: Khi tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có tác động đến năng suất lao động và hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ không, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến năng suất lao động, vì theo dự thảo, không phải nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các nhóm lao động lên thành nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Với những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, suy giảm sức lao động từ 61% trở lên, thì người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu trước 5 năm như các ngành khai thác khoáng sản, hầm lò...

Như vậy vẫn tồn tại nhóm đối tượng nghỉ hưu trước 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn đối với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn, thì không lo bị giảm năng suất lao động. Trong điều kiện nào đó, năng suất còn có thể cao hơn vì có kỹ năng, tay nghề vững.

Việc suy giảm năng suất lao động khi nâng tuổi nghỉ hưu chỉ đúng trong trường hợp lao động nặng nhọc, lao động vùng sâu, vùng xa, còn trong điều kiện lao động bình thường, chắc chắn sẽ đảm bảo năng suất lao động không bị sụt giảm.

Về vấn đề cơ hội việc làm của giới trẻ, có thể thấy, nếu như trước đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 1 triệu người từ 15 tuổi trở lên tham gia vào thị trường lao động, thì đến nay con số này có xu hướng giảm chỉ còn một nửa. Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, lượng lao động tham gia vào thị trường lao động giảm đi, nên không thể nói nâng tuổi nghỉ hưu sẽ làm hạn chế cơ hội việc làm của giới trẻ.

Hiện nay tỷ lệ thất nghiêp của chúng ta đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm rõ rệt

Nếu như trước đây, có chế độ vừa ra trường đã được sắp xếp việc làm, thì mới lo ngại đến việc mất đi vị trí việc làm. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, họ tự tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tuyển dụng bằng thi tuyển, cơ hội rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu người lao động không được đào tạo bài bản, thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Từ đây đặt ra vấn đề về nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động có chuyên môn, khả năng để không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà còn có thể tự tạo việc làm.

PV: Xin cảm ơn ông!/.


Nguyễn Trang