Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Tăng tuổi nghỉ hưu, không có chuyện 'quan chức giữ ghế'
Trả lời phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (29/5), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể nhiều phương án và phải giải quyết nhiều luật, chính sách khác như: điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, điều chỉnh công việc, thị trường lao động chứ không tập trung vào Bộ Luật lao động.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu này là điều chỉnh dần, theo lộ trình chậm. Cụ thể, nếu với Phương án 1 như Chính phủ trình, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 và áp dụng trong điều kiện bình thường, sức khỏe bình thường.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời bên hành lang Quốc hội sáng 29/5.
Cũng theo Bộ trưởng, người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi trong trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
"Chúng tôi phải thiết kế chính sách thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Chẳng hạn lao động nặng nhọc mà suy giảm thì thậm chí còn phải nghỉ sớm hơn nữa. Hoặc là họ có thể nghỉ hưu khi đóng đủ bảo hiểm. Vì vậy, không có nghĩa là bắt người lao động cứ đủ tuổi lao động, đủ năm đóng bảo hiểm thì được nghỉ hưu. Hiện Chính phủ đang rà soát toàn bộ những ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại để kèm them Bộ Luật này là phải có danh sách ngay. Cụ thể, hôm nay, riêng về lĩnh vực than, hầm lò, chúng tôi đang quy định 24 lĩnh vực nghỉ hưu sớm hơn"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng cũng cho rằng, những đối tượng, lực lượng lao động có trình độ cao, ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát, Giáo sư, Phó Giáo sư thì chúng ta phải khuyến khích họ làm suốt đời.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần phân biệt rõ tuổi nghề với tuổi hưu. Hưu là đủ điều kiện được hưởng chính sách của nhà nước, đủ chính sách để được hưởng bảo hiểm xã hội; còn tuổi nghề có thể là nghề làm ngắn, nghề làm dài. Bộ trưởng nêu ví dụ, đối với nghề xiếc, bóng chuyền, bóng đá, họ chỉ làm thời gian rất ngắn, sau đó họ phải chuyển nghề, phải được đào tạo để chuyển công việc khác. Có những người khi nghỉ làm quản lý, họ vẫn tiếp tục làm nghề. Vì vậy, cần phải hiểu một cách đầy đủ sự cần thiết của tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. "Nhìn sang các nước nếu đến năm 2035, chúng ta không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng, việc tính theo phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ, tính được cho người già. Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm tiếp. Hơn nữa, lực lượng lao động trẻ của nước ta hiện không còn dồi dào. Bởi quan sát ở nhiều khu vực nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn. Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn nhận hiện Việt Nam đang không phải là đỉnh cao của dân số vàng, mà đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số.
"Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế này để làm việc. Chúng ta tính là tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau"- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.