Nắng ấm xa dần, bỏ lại giấc mơ biến Trung Quốc thành cường quốc xe điện của loạt 'đại gia'
Trước canh bạc xe điện có thể trở thành "smartphone chạy trên 4 bánh" giúp kết nối hành khách với doanh nghiệp, doanh số bán xe chững lại và việc Bắc Kinh giảm trợ cấp cho ngành công nghiệp non trẻ khiến tập đoàn của các tỉ phú Jack Ma, Pony Ma, Hui Ka Yan và Robin Li đối mặt với khả năng sinh lời ngày càng mỏng.
Từ trái qua phải: Tỉ phú Hui Ka Yan (Evergrande), Pony Ma (Tencent) và Jack Ma (Alibaba). Ảnh: Bloomberg
Khoản vốn khủng của các "đại gia" cùng tiền mà hàng chục startup đã huy động tạo nên dòng vốn 18 tỉ USD cho ngành xe điện, thổi phồng quả bóng đến mức phình to và có nguy cơ nổ tung như hiện tại.
Thị trường xe ô tô của Trung Quốc đang trải qua một đợt sụt giảm doanh số kéo dài, khiến các hãng chế tạo xe điện phải giảm triển vọng lợi nhuận.
Ngoài ra, với việc chính phủ Trung Quốc cân nhắc cắt giảm thêm các khoản trợ cấp dành cho khách hàng mua xe điện để buộc các hãng sản xuất ô tô tự cạnh tranh, một cơn địa chấn đang xuất hiện mà thậm chí sự hỗ trợ của các tỉ phú hàng đầu cũng không thể ngăn chặn nó.
Đây là nhận xét của nhà phân tích Rachel Miu đến từ DBS Group Holdings tại Hong Kong. Bà phát biểu: "Đối với các công ty xe điện còn non trẻ, đây sẽ là một cuộc leo dốc khó nhằn".
Cái bắt tay run rẩy giữa Alibaba và Xpeng
Jack Ma từ chức Chủ tịch Tập đoàn Alibaba vào tháng 9 sau khi xây dựng cơ ngơi trị giá 40 tỉ USD, song người đàn ông giàu nhất Trung Quốc vẫn giữ ghế hội đồng quản trị cũng như duy trì tầm ảnh hưởng tại tập đoàn thương mại điện tử do ông tạo ra.
Alibaba đã tham gia nhiều vòng gọi vốn cho Xiaopeng Motors Technology (có trụ sở tại Quảng Châu). Xiaopeng hay Xpeng là công ty do cựu giám đốc Alibaba He Xiaopeng đồng sáng lập. Trong một vòng gọi vốn năm 2018, Xpeng đã huy động 2,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 313 triệu USD).
Xpeng ra mắt sản phẩm xe điện đầu tiên, chiếc SUV G3 5 chỗ ngồi, vào năm ngoái và bán ra 11.940 xe trong năm nay, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Mẫu xe coupe P7 của Xpeng. (Nguồn: Autocar)
Thành lập năm 2014, hãng xe điện còn hợp tác với một số nhà sản xuất xe ô tô có tiếng tăm khác. Một nhà máy liên doanh với Haima Automobile của Xpeng có thể sản xuất 150.000 xe điện mỗi năm. Một nhà khác sẽ sớm bắt đầu lắp ráp dòng xe coupe P7, dự kiến sẽ phân phối vào năm 2020.
Tuy nhiên, hành trình của công ty xe điện Trung Quốc không thiếu vắng tranh cãi, khi một số kĩ sư làm việc cho Xpeng bị công ty cũ ở Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ.
Vào tháng 3, gã khổng lồ Tesla đã khởi kiện một cựu kĩ sư, cáo buộc người này tải các tệp, thư mục và bản sao mã nguồn vào tài khoản lưu trữ cá nhân trước khi từ chức để về Trung Quốc gia nhập Xpeng.
Ngoài ra, một cựu kĩ sư Apple đã bị truy tố hồi năm ngoái vì cáo buộc ăn cắp bí mật xe tự lái khi sắp nhận công việc ở Xpeng. Phiên xét xử ông ta sắp diễn ra.
Xpeng không bị cáo buộc vì hành vi sai trái nào.
"Chúng tôi quyết tâm theo đuổi chính sách R&D của công ty", Chủ tịch Brian Gu cho hay. "Bản quyền là thứ rất quan trọng với Xpeng".
Là cổ đông lớn thứ hai tại Xpeng, Alibaba không phản hồi các câu hỏi về hãng xe điện.
Tencent thua trước canh bạc NIO vì hãng rót tiền vô tội vạ cho marketing và bất động sản xa xỉ?
Nhờ ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent, nhà sáng lập Pony Ma đã trở thành người giàu thứ hai Trung Quốc. Vào năm 2017, Tencent đã dẫn đầu vòng gọi vốn trị giá 1 tỉ USD của NIO.
Với hơn 26.000 xe điện bán ra, NIO là một trong số ít startup Trung Quốc chế tạo ra nhiều mẫu xe khác nhau và đánh bại đối thủ cạnh tranh trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York năm ngoái.
Tuy nhiên, tổn thất của NIO bắt đầu chồng chất khi doanh số xe điện sụt giảm và do công ty được mệnh danh là "Tesla Trung Quốc" này liên tục rót tiền vô tội vạ vào marketing và bất động sản.
NIO từng tài trợ cho một buổi biểu diễn của nam ca sĩ Bruno Mars và mở một loạt câu lạc bộ xa xỉ có showroom, quán cà phê và không gian trình diễn dành riêng cho khách hàng của hãng.
Một mẫu xe điện siêu sang chảnh của NIO. Ảnh: Nikkei Asian Review
Trong vòng 22 tháng tính đến tháng 8, công ty xe điện đã mở 19 NIO House, với chi phí thuê mặt bằng tương đương 6,3% doanh thu trong năm tài khóa tính đến tháng 3.
"NIO chọn hướng bán hàng trực tiếp và chú tâm đến trải nghiệm của người dùng", hãng xe điện cho hay. Bloomberg thông tin NIO không có kế hoạch đóng cửa các câu lạc bộ hiện tại cũng như số mới mở gần đây.
Tính đến tháng 6, NIO đã lỗ 2,8 tỉ USD trong vòng 12 tháng và giá cổ phiếu của công ty cũng sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2019.
Chỉ trong tháng 9, NIO đã cắt giảm khoảng 20% nhân sự. Tuy nhiên, NIO tuyên bố Tencent và CEO William Li đã lên kế hoạch bơm thêm 100 triệu USD mỗi bên vào công ty nhưng không nói rõ liệu khoản đầu tư đã hoàn tất hay chưa.
"Doanh số bán hàng của chúng tôi gặp áp lực kể từ khi Bắc Kinh giảm trợ cấp", CEO Li than thở. "Đã đến lúc nhà sản xuất chỉ có thể giành niềm tin của khách hàng bằng sản phẩm và dịch vụ chất lượng".
Evergrande - ước mơ cao xa vời vợi
Một trong những "tay chơi" rót nhiều tiền vào ngành công nghiệp xe điện chính là công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande Group.
Evergrande từng tuyên bố họ muốn trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong 3 - 5 năm tới. Mục tiêu đó đồng nghĩa rằng họ phải vượt qua Tesla, ông lớn vừa xây dựng siêu nhà máy tại Thượng Hải.
Trong giai đoạn 9/2018 - 6/2019, Evergrande đã đầu tư hơn 3,8 tỉ USD vào các công ty chế tạo xe điện và sẽ bắt đầu sản xuất dòng xe Hengchi vào năm tới.
Mong muốn mở 10 cơ sở sản xuất, Evergrande đang lên kế hoạch chi 45 tỉ nhân dân tệ cho các dòng xe sử dụng năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2019 - 2021. Vào ngày 10/11, một đơn vị tuyên bố họ sẽ chi gần 3 tỉ USD để tăng cổ phần trong công ty National Electric Vehicle Sweden từ 68% lên 82%.
Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tỉ phú Hui Ka Yan thừa nhận không có nhiều mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh bất động sản của Evergrande với tham vọng xe điện của họ.
"Chúng tôi không có nhiều nhân lực giỏi, công nghệ, kinh nghiệm hay cơ sở sản xuất trong ngành chế tạo ô tô", ông Hui nói. "Làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất có tuổi đời kéo dài cả thế kỉ trên thế giới?"
Ông đáp: "Bằng cách mở ví tiền của Evergrande. Bất cứ công nghệ cốt lõi và công ty nào chúng tôi có thể mua, chúng tôi sẽ mua hết".
Chiến lược mua-tất của Chủ tịch Hui có thể giáng đòn đau cho Evergrande vì đầu tư bằng cách đốt tiền vào xe điện. Bloomberg nhận định công ty có thể phải chi nhiều hơn 45 tỉ nhân dân tệ và có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Baidu cũng không chịu thua Alibaba, Tencent nhưng "vớ" phải hãng xe điện vướng kiện cáo
Ông Robin Li, CEO của công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu, đã biến công ty chế tạo xe điện WM Motor Technology thành một phần trong mục tiêu chiếm lĩnh thị trường xe điện của mình.
Baidu dẫn đầu vòng gọi vốn trị giá 3 tỉ nhân dân tệ của hãng xe điện có trụ sở tại Thượng Hải trong năm nay. Hiện tại, Baidu đang sở hữu 13% cổ phần của WM.
WM ra mắt chiếc SUV điện vào năm ngoái và đã phân phối hơn 19.000 đơn vị ra thị trường, Giám đốc Chiến lược Rupert Mitchell cho biết. Tính đến tháng 11, WM đã bán ra 14/273 chiếc SUV chạy bằng pin điện.
Doanh số như trên khiến WM chỉ tụt lại phía sau "đàn anh" BYD do tỉ phú Warren Buffet hậu thuẫn và NIO, tuy nhiên xếp trên Xpeng.
Ông Mitchell cho biết WM có lợi thế hơn so với các đối thủ do cựu nhân viên một số công ty công nghệ thành lập, khi mà nhà sáng lập Freeman Shen từng đầu quân cho Volvo Car Group tại Trung Quốc.
"Chúng tôi không phải là tay mơ đến từ các công ty công nghệ và chỉ biết sơ sài về ngành công nghiệp ô tô rộng lớn", ông Mitchell khẳng định.
Tuy nhiên, Zhejiang Geely Holding Group, công ty mẹ của Volvo, gần đây đã khởi kiện WM vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đòi bồi thường 2,1 tỉ nhân dân tệ. WM phủ nhận cáo buộc này.
Ông Mitchell khẳng định WM sản xuất xe điện tại các nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu của công ty, từ đó giúp duy trì kiểm soát chất lượng. WM sẽ mở thêm nhà máy thứ hai vào năm sau với mục tiêu sản xuất 150.000 xe hàng năm và huy động 1 tỉ USD khác trong các vòng gọi vốn sau.