|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt

15:33 | 29/11/2019
Chia sẻ
ST25 vang danh gạo ngon nhất thế giới, nhưng những người làm chuyên môn chọn tạo và sản xuất, kinh doanh hạt giống vẫn lo âu về vấn nạn giống giả hiện còn tồn tại, hoành hành.

Đó là điểm yếu nhất trong chuỗi sản xuất nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.

Giống giả tràn lan

Hơn 2 tuần qua, sau sự kiện ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới 2019 (World's Best Rice 2019), các thành viên trong nhóm tác giả giống lúa ST trở về với niềm vui, tự hào chưa dứt thì lại canh cánh bên lòng trước tình trạng mua bán gạo giả, lúa giống giả của một số cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh chộp giật.

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt - Ảnh 1.

KS Hồ Quang Cua với giống lúa ST. Ảnh: HT.

Và cần phải nói rằng trước đây gạo Việt từng có nhiều giống lúa cho phẩm chất ngon cơm nổi tiếng thế giới. Thế nhưng đến khi đưa ra thị trường lại khó phát triển thương mại bền vững để xây dựng thương hiệu gạo ngon quốc gia.

Nguyên do chính là trong thời gian qua công tác quản lý, kiểm soát giống còn lỏng lẻo tại các địa phương, mà nhộm nhoạm nhất là khu vực ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất nước.

Việc lấy lúa thịt bán làm lúa giống gây tác hại làm suy giảm phẩm chất gạo, thoái hóa giống, sâu bệnh hại lúa gia tăng. Liệu rồi đây ST25 sẽ theo lối mòn cũ của nhiều giống lúa thơm danh tiếng khác và chỉ một sớm một chiều rớt giá nhanh chóng chỉ vì nạn kinh doanh làm và bán hàng giả theo kiểu chộp giật như đã thấy?

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt - Ảnh 2.

KS Hồ Quang Cua bên ruộng lúa giống ST. Ảnh: LHV.

AHLĐ, KS Hồ Quang Cua “cha đẻ” giống lúa ST, kể: Khi cùng đoàn tham gia cuộc thi gạo ngon thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philipines) trở về sân bay Tân Sơn Nhất, qua trao đổi với giới truyền thông và một số chủ đại lý bán gạo ST tại TP.HCM, ông đã nhận ngay tin về mua bán gạo giả ST25.

Đây là chuyện không mới và là thực trạng buồn tồn tại nhiều năm qua các giống lúa giả ST cùng với nhiều giống lúa khác ở ĐBSCL vẫn còn buôn bán, vận chuyển nhan nhản như chuyện thường ngày ở huyện.

Ông Cua nói, giống lúa ST25 là “người anh em” giống ST24 ra đời trước đó và hội tụ, kế thừa phẩm chất gạo cơm mềm, thơm ngon. Từ trại giống thực nghiệm ông đưa ra sản xuất thử qua nhiều vụ ghi nhận kết quả ổn định trên diện tích canh tác còn hạn hẹp.

ST25 là giống lúa mới và trại giống của ông cũng chưa bán ra ngoài, kể cả bán cho cơ sở sản xuất lúa giống hay nông dân trồng. Vì vậy sản lượng gạo thương phẩm không có nhiều để bán thì làm sao ngoài thị trường có nhiều gạo ST25?

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt - Ảnh 3.

Gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới 2019 (World's Best Rice 2019).

Cơn sốt lúa giống ST25 và ST24 từng dấy lên trước đó. Có thể là do một vài DN muốn cần có gạo ST25 để bán nên mua giống giả hoặc lấy lúa thịt đầu tư cho nông dân sản xuất để làm ra gạo bán sớm. Suy cho cùng đây là cách “giết chết” giống lúa có phẩm chất gạo ngon khi tên tuổi vừa mới chớm nở.

Khó bảo vệ giống tốt

Chuyện nghe qua tưởng chừng như nghịch lý nhưng có thật, vì tác giả - người làm ra giống tốt sau khi đưa ra sản xuất thật khó bảo vệ được suy thoái giống do nạn nhà nhà tự làm giống, các đại lý, doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng, không coi bản quyền là gì. Thói quen dùng lúa thịt làm giống trong dân và việc làm hàng nhái, giống giả đang khá phổ biến tại ĐBSCL.

Tìm lại hành trình giống gốc ST, từ cội nguồn đồng quê Sóc Trăng đã bật lên các giống nổi tiếng ST3, ST5, ST19, ST20, ST24, ST25 cùng với sự đa dạng một số giống ST đỏ, ST gạo tím than… giàu dinh dưỡng, hỗ trợ ngăn ngừa và giảm bệnh.

Trong đó đã có giống ST5, ST24 được Bộ NN-PTNT công nhận xếp vào Bộ giống lúa Quốc gia, được phép phổ biến sản xuất trên phạm vi rộng rãi.

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt - Ảnh 4.

Khách hàng mua gạo ST24 về ăn. Ảnh: LHV.

Tuy nhiên, như thường lệ, mỗi khi có giống lúa mới có nhiều tính năng vượt trội, tên tuổi nổi lên “đình đám” và gạo có thương hiệu, giá bán ban đầu thường rất cao,  900 - 1.000 USD/tấn. Thế rồi sau đó do nhiều nguyên nhân, nhất là cạnh tranh thương mại gạo, đấu trộn, gạo dần giảm giá.

Còn ngoài đồng chỉ vì nạn mua bán giống giả núp bóng với hình thức lúa chứa trong bao trắng như lúa lương thực và “trao đổi giống” với giá rẻ hơn phân nửa giá giống thật có nhãn mác… đã làm suy giảm nhanh chất lượng hạt gạo ngon ban đầu.

Ông Cua lo lắng: Đạt danh hiệu đã khó, để giữ được danh tiếng càng khó hơn. Vì theo ông, hành trình làm “giấy khai sinh” cho một giống phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, mất thời gian khảo nghiệm, kiểm nghiệm rất lâu và tốn kém nhiều chi phí, từ khử lẫn, kiểm tra độ thuần trong quá trình sản xuất giống. 

Điều này là bắt buộc nhằm tránh tình trạng giống tự phát “trăm hoa đua nở” rồi sản xuất theo kiểu “tự vẽ bùa đeo” gây nhiễu loạn trong thị trường giống.

Trong khi đó, lúa giống giả không khó phát hiện, hàng giả đựng trong bao trắng hoặc ngoài bao lúa giống có in “Lúa lương thực, thời gian sinh trưởng, hạn sử dụng…” nhưng không ghi địa chỉ nhà cung cấp, đang được bán trong các cửa hàng vật tư nông nghiệp.

Ở thị xã Ngã năm, tỉnh Sóc Trăng, lực lượng quản lý thị trường phát hiện lúa giống giả, nhưng rồi vẫn không xử lý được. Ông Cua nói: Sau khi đạt giải gạo ngon thế giới về, trại giống của ông chỉ sản xuất ra 400 tấn giống lúa ST24 cho vụ ĐX 2017 - 2018. Nhưng không hiểu vì sao trong vụ này ngoài đồng lúa ST24 sản xuất tăng lên tới 50.000ha (!).

Chờ hiệu lực Luật cây trồng mới

Từ sau giống ST24 ra đời tới nay ông Cua lỗ vì nạn lúa giống giả tràn lan. Ông phải liên kết với nông dân bên ngoài trồng thêm lúa lương thực để bù lỗ. Trong khi đó giống giả “lách luật” cứ bán 1kg lúa giống ST trong bao trắng lời ít cũng 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt - Ảnh 5.

Khách hàng tìm hiểu giống gạo ST của KS Hồ Quang Cua.

Ông Cua tâm tư, mỗi năm, lai tạo nhiều nhánh, ít nhất có thêm 500 tổ hợp. Qua hơn 20 năm nhóm nghiên cứu bộ giống lúa ST đã tích lũy lưu trữ làm giàu thêm nguồn vật liệu di truyền và cần nguồn tài chính để nghiên cứu phát triển thêm lên.

Trong danh mục dòng ST còn có rất nhiều giống lúa chưa đặt tên. Đến khi khi ra “đấu trường” thi gạo ngon thì phải chọn loại ngon nhất và khác biệt, vì đây là cơ hội xây dựng thương hiệu quốc gia.

Ông Cua so sánh kinh nghiệm của Thái Lan trong bảo vệ loại gạo ngon nhất thế giới của họ ví như giống Thai Hom Mali Rice là có tiêu chí rõ ràng, từ đặt tên, vô danh mục bộ giống xây dựng thương hiệu cho đến quy vùng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn về độ thuần và họ kiểm soát thị trường giống rất nghiêm.

Nếu đủ tiêu chuẩn mới đóng in dòng chữ “thương hiệu gạo quốc gia”. Còn nếu không đủ tiêu chuẩn mà mạo danh thì nhà nước quyết liệt ngăn chặn, xử phạt tội làm hàng giả rất nặng.

Không bảo vệ được tác quyền, người sản xuất và kinh doanh không làm ăn chân thật, cứ theo kiểu hám lợi, chộp giật nhất thời sẽ khó nâng cao chất lượng tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. 

Bài học đắt giá này cứ tái diễn không chỉ có ST mà còn rất nhiều giống lúa ngon khác trong thời gian qua như RVT, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18… đang là nạn nhân của nạn giống giả.

Vào lúc này các nhà chuyên môn chọn tạo giống và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống hy vọng đến đầu năm 2020, Luật Trồng trọt mới có hiệu lực, nạn giống giả, vi phạm bản quyền được loại bỏ triệt để.


Hữu Đức