|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghi ngờ gạo ngon nhất thế giới 'dởm' bán tràn lan trên thị trường

07:22 | 26/11/2019
Chia sẻ
Dù chưa được sản xuất và kinh doanh đại trà nhưng gạo ngon nhất thế giới đã bị nhiều đơn vị kinh doanh "mạo danh" để bán. "Cha đẻ" của loại gạo vừa đoạt giải khẳng định: "Chúng tôi chưa hề đưa gạo ra thị trường, đây là hàng giả 100%, người tiêu dùng cần cảnh giác".

"Nhan nhản" gạo ngon nhất thế giới

Trong vai người đi mua gạo, chúng tôi đến một cửa hàng gạo trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TPHCM). Người phụ nữ bán gạo khẳng định, cửa hàng luôn có sẵn loại gạo ngon nhất thế giới và bán với giá 28.000 đồng/kg.

“Gạo này ngon lắm nhưng nó dẻo như cơm nếp vậy. Em mua bao nhiêu cũng có” - người phụ nữ bán gạo nói.

Nghi ngờ gạo ngon nhất thế giới 'dởm' bán tràn lan trên thị trường - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Cua, một trong những thành viên trong nhóm nghiên cứu đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, ông Hồ Quang Cua - người nghiên cứu ra giống lúa ST25, loại lúa làm ra gạo vừa đoạt giải - cho biết: Sau khi ông và các cộng sự đạt cúp World’s Best Rice (gạo ngon nhất thế giới) tại Manila (Phillippines) thì trên thị trường đã có nhiều cửa hàng thông báo có bán loại gạo này.

“Chỉ sau khoảng 3 ngày đạt giải thì nhiều người kinh doanh gạo tại TPHCM đã loan tin họ có giống gạo ngon nhất thế giới. Họ đóng nhãn mác ST25 lên bao bì của họ, một số người còn lấy ảnh của tôi khi đạt giải in lên bao bì. Trong khi chúng tôi chưa hề đưa gạo ra thị trường. Do vậy, đây là hàng giả 100% nên người tiêu dùng cần cảnh giác” - ông Cua nói.

Theo ông Cua, nhóm nghiên cứu và các cơ quan chức năng đang phối hợp để phát triển giống lúa ST25 một cách nhanh nhất nhằm khai thác thương hiệu lần đầu tiên Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

Cũng theo ông Cua, loại gạo ngon nhất thế giới chỉ mới trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm nên lượng gạo thành phẩm ban đầu rất hạn chế.

Nghi ngờ gạo ngon nhất thế giới 'dởm' bán tràn lan trên thị trường - Ảnh 2.

Người dân vây kín quầy để tìm hiểu thông tin mua gạo

Nghi ngờ gạo ngon nhất thế giới 'dởm' bán tràn lan trên thị trường - Ảnh 3.

Gạo được nấu thành cơm và đi kèm với cá chiên để giới thiệu đến người dân TPHCM

Đại diện một doanh nghiệp phân phối gạo tại TPHCM cho hay: Ngay sau khi giống gạo ST25 đạt giải thì nhu cầu của người dân về loại gạo này tăng đột biến. Nhiều khách hàng hỏi mua gạo ST25 vì tò mò về chất lượng.

Sóc Trăng khen thưởng nhóm nghiên cứu 

Chiều 25/11, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khen thưởng nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Tại lễ vinh danh, ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã tặng Bằng khen cho nhóm nghiên cứu giống lúa ST25, gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trân trọng đánh giá cao những đóng góp của kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương trong việc tạo ra nhiều giống lúa mang thương hiệu ST (Sóc Trăng) được người tiêu dùng trong nước và thế giới công nhận, góp phần nâng tầm gạo Việt trên trường quốc tế.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Hồ Quang Cua đã bày tỏ niềm vui khi gạo ST của Sóc Trăng được nhiều người biết đến, trong đó ST24 liên tục đạt giải nhất gạo ngon trong nước 3 năm liền (2017, 2018, 2019), tốp 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017; còn gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Nghi ngờ gạo ngon nhất thế giới 'dởm' bán tràn lan trên thị trường - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng- ông Trần Văn Chuyện trao Bằng khen cho nhóm nghiên cứu. Từ trái qua phải: Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương

Ông Hồ Quang Cua cũng cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành và nông dân, doanh nghiệp trong việc nâng tầm thương hiệu gạo ST do nhóm nghiên cứu tạo ra suốt 27 năm qua. Thời gian tới, nhóm của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nhiều giống lúa mới đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Được biết, giống lúa ST25 là giống lúa thơm được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây 10 năm. Năm 2014, được đưa vào khảo nghiệm và đến năm 2016 bắt đầu trồng thử.

Đây là giống lúa ngắn ngày, có tính kháng bệnh hơn hẳn một số giống lúa cổ truyền, cho sản lượng đạt tới 7 tấn một ha. Đến nay, lúa thơm ST đã có mặt không chỉ ở Sóc Trăng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh ven biển khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại Việt - Cao Xuân Lương