|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu 'gạo ngon' tiếp tục chiếm ưu thế

20:50 | 14/02/2018
Chia sẻ
Nếu như trước đây phân khúc gạo cấp thấp và trung bình luôn chiếm thị phần lớn trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả nước hàng năm, thì những năm gần đây, phân khúc "gạo ngon" luôn chiếm ưu thế và dự báo trong năm 2018 xu hướng này tiếp tục diễn ra...
xuat khau gao ngon tiep tuc chiem uu the Giá gạo xuất khẩu châu Á đồng loạt giảm mạnh
xuat khau gao ngon tiep tuc chiem uu the Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc ngay từ quý 1​
xuat khau gao ngon tiep tuc chiem uu the
Năm 2018 xuất khẩu "gạo ngon" vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong tổng cơ cấu xuất khẩu toàn ngành. Ảnh: Trung Chánh

Nếu như trước đây phân khúc gạo cấp thấp và trung bình cộng lại luôn chiếm một tỷ trọng áp đảo trong tổng khối lượng xuất khẩu gạo toàn ngành hàng năm, trong khi phân khúc gạo chất lượng cao và gạo thơm (hay còn gọi là gạo ngon) chỉ chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn, thì trong những năm gần đây xu thế này đã có sự thay đổi.

Bản báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong năm 2016, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp xuất khẩu chiếm 7,27% tổng khối lượng xuất khẩu toàn ngành thời điểm lúc bấy giờ và gạo trắng phẩm cấp trung bình chiếm 13,41%. Đến năm 2017, các con số tương ứng là 3,88% và 8,24%, tức giảm khá nhiều so với năm 2016 khi so sánh tương tự.

Trong khi đó, với gạo trắng cao cấp, nếu như năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 21,65% tổng khối lượng xuất khẩu toàn ngành lúc bấy giờ, thì đến năm 2017 đạt 24,33%. Còn với gạo thơm, nếu năm 2016 chiếm 28,47% tỷ trọng khối lượng xuất khẩu toàn ngành của năm 2016, thì đến năm 2017 chiếm 29,22%.

Còn nếu so với năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp trong năm 2017 đã giảm 8,57 điểm phần trăm khi so sánh thị phần của phân khúc gạo này trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu toàn ngành ở hai thời điểm năm 2017 và 2015; gạo cấp trung bình thì giảm 10,12 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ trọng gạo trắng cao cấp xuất khẩu năm 2017 tăng 3,47% so với năm 2015 khi so sánh thị phần của phân khúc gạo này trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu toàn ngành ở hai thời điểm này và gạo thơm tăng 6,57% so với năm 2015.

Căn cứ vào cơ sở dữ liệu thống kê như đã nêu ở trên, khi trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo dự báo, xu hướng diễn biến như nêu trên cũng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2018, tức tỷ trọng xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm sẽ tiếp tục chiếm ưu thế lớn hơn trong tổng khối lượng xuất khẩu gạo, trong khi gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ bị thu hẹp hơn. Đây là một xu hướng tốt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi cho biết, bên cạnh xu hướng như nêu trên, thì phân khúc gạo đặc sản Japonica và gạo nếp cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành gạo Việt Nam thời gian tới.

Xét về thị trường, Trung Quốc, Hồng Kông, Ghana, Bờ Biển Ngà… tiếp tục là những thị trường nhập khẩu phần lớn "gạo ngon" của Việt Nam. Còn Indonesia, Philippines, Bangladesh…là những thị trường sẽ tiêu thụ phần lớn các loại gạo phẩm cấp thấp và trung bình của Việt Nam.

Trước xu hướng như nêu trên, các loại lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976, OM 4218, Long Hồ 8 và các loại lúa thơm như Đài Thơm 8, Jasmine…, cũng đang được người nông dân ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chọn để sản xuất nhiều hơn so với trước đây.

Trung Chánh