|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm heo vàng chỉ nói chuyện con heo

19:45 | 31/12/2019
Chia sẻ
Chưa năm nào con heo lại trở thành đề tài nóng hổi, liên quan đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến khoa học như năm 2019. Theo lịch âm của người phương Đông, 2019 là năm con heo, một biểu tượng của sự giàu có, và có lẽ 2019 sẽ thực sự tốt đẹp nếu dịch ASF không xuất hiện.

Thị trường heo Việt Nam đã trải qua một năm đầy thử thách trong 2019 khi mới phục hồi từ cuộc khủng hoảng giá năm 2017 lại vấp phải sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi (ASF).

Sau khi càn quét Trung Quốc, Mông Cổ và nhiều quốc gia châu Âu, dịch tả heo châu Phi (ASF) chính thức được công bố tại Việt Nam vào tháng 2.

Có thể nói dịch ASF là yếu tố chi phối chính của không chỉ thị trường heo Việt Nam, mà cả thị trường thế giới trong 2019.

Sự lây lan của dịch ASF tại nhiều nhà sản xuất heo lớn đã làm thiệt hại một phần tư lượng heo trên thế giới, theo ước tính của Rabobank. Nguồn cung thiếu hụt khiến giá thịt heo tăng với tốc độ tên lửa, kéo giá của hàng loạt protein thay thế lên theo.

Giá thịt leo thang

Theo báo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá thịt trung bình đạt 190,5 điểm trong tháng 11, tăng 4,6% so với tháng 10 - đánh dấu mức tăng lớn nhất theo tháng kể từ tháng 9/2009 và tăng 17,2% so với cùng kì năm ngoái.

Năm heo vàng chỉ nói chuyện con heo - Ảnh 1.

Chỉ số giá thịt FAO theo các năm. (Chỉ số được tính từ hai sản phẩm thịt gia cầm, ba sản phẩm thịt bò, ba sản phẩm thịt heo, và một sản phẩm thịt cừu) Nguồn: FAO.

Mặc dù vậy, chỉ số giá thịt trong tháng 11 vẫn thấp hơn 9,4% so với mức đỉnh xác lập hồi tháng 8/2014.

Cơ quan quốc tế nhận định nhu cầu trước dịp lễ và cuối năm đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm của nguồn cung thịt thế giới, khiến giá thịt heo tăng cao hơn nữa và cuối cùng dẫn tới sự gia tăng của giá thịt gia cầm sau ba tháng giảm liên tiếp.

Tại Trung Quốc, đàn heo đã giảm hơn 40% so với năm ngoái, kéo giá thịt heo tăng hơn 100%, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, sau khi xuất hiện lần đầu tại Hưng Yên vào tháng 2, dịch tả heo nhanh chóng lan khắp trên cả nước, có thời điểm mỗi ngày có một địa phương mới báo cáo xuất hiện virus gây chết gần như 100% ở heo.

Đến tháng 6, dịch ASF lan khắp các trang trại từ Bắc vào Nam của Việt Nam, và ngày 31/8, tỉnh cuối cùng của Việt Nam xác nhận nhiễm dịch. Như vậy, sau 6 tháng xuất hiện ở Việt Nam, virus ASF đã bùng phát trên toàn bộ 63 tỉnh, thành của cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng số heo bị chết và tiêu huỷ vì dịch ASF là khoảng 5,9 triệu con với trọng lượng 337.800 tấn, chiếm gần 9% tổng sản lượng thịt của cả nước.

Đàn heo giảm khoảng 26,8% so với cùng kì năm 2018; tổng sản lượng thịt heo cả năm khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm trước.

Ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi còn lan sang nhiều khu vực khác của nền kinh tế.

CPI năm 2020 khó giữ dưới 4%

Nguồn cung thịt heo, loại protein được ưa chuộng nhất tại Việt Nam, thiếu hụt đã khiến giá heo hơi trên cả nước biến động mạnh.

Cụ thể, sau khi mới phục hồi từ cuộc khủng hoảng năm 2017, giá bắt đầu giảm vì người tiêu dùng lo ngại không dám tiêu thụ thịt heo, sau đó tăng vọt trở lại từ tháng 7.

Năm heo vàng chỉ nói chuyện con heo - Ảnh 2.

Biến động giá heo hơi năm 2019. Đơn vị: đồng/kg. Tổng hợp: LL.

Tính đến tháng 12, giá heo hơi trên cả nước trung bình tăng hơn hai lần so với hồi đầu năm.

Theo đó giá thịt heo các loại cũng leo thang, dao động trong khoảng 110.000 – 230.000 đồng/kg.

Điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,4% so với tháng trước, mức tăng lớn nhất trong 9 năm qua, theo Tổng cục Thống kê. Riêng biến động thịt heo đóng góp 0,83% trong tổng mức tăng 1,4% của CPI.

Tính chung quí IV/2019, CPI tăng 2,01% so với quí trước và tăng 3,66% so với quí IV/2018.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết giá thịt heo có thể là biến số khó lường, khiến nhiệm vụ kiềm chế CPI dưới 4% năm 2020 trở nên thách thức.

Dịch tả heo châu Phi (ASF) cũng ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi gia cầm. Tại Đồng Nai, hàng loạt hộ chăn nuôi heo trước đây đã chuyển sang nuôi gà khiến tỏng đàn tăng nhanh, cùng với nguồn thịt nhập khẩu giá rẻ về làm cung vượt cầu. Do đó, giá gà giảm mạnh.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai chỉ ra tính đến tháng 9, đàn gà của địa phương này đạt gần 25 triệu con, tăng gần 17% so với tháng 4, thời điểm mà Đồng Nai xuất hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi đầu tiên.

Bên cạnh đàn gà, đàn thủy cầm như vịt, ngan, ngỗng của Đồng Nai cũng tăng hơn 10%, đạt mức 2 triệu con so với thời điểm tháng 4.

Mặc dù vậy, đánh giá từ Bộ cho biết đến tháng 12, dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương từng bước được kiểm soát, số lượng heo tiêu huỷ giảm nhiều.

Điển hình như Hưng Yên, địa phương đầu tiên công bố nhiễm dịch vào tháng 2, và Hải Dương đã hết dịch. Ngoài ra, 19 tỉnh khác có 85% số xã đã qua 30 ngày không có dịch, vì vậy việc tái đàn an toàn sinh học được đẩy mạnh.

Lợi nhuận doanh nghiệp chăn nuôi biến động dưới tác động của dịch tả heo châu Phi

Thời điểm dịch ASF mới bùng phát, giá heo hơi giảm sâu, có thời điểm xuống dưới 32.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi và các doanh nghiệp lỗ nặng.

Sau khi báo lãi 20 tỉ đồng trong quí I/2019, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quí II/2019 giảm hơn 90% so với cùng kì năm ngoái xuống 7,5 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính quí II/2019 của công ty.

Nguyên nhân của sự sụt giảm được Dabaco đưa ra là ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch ASF, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất con giống của công ty gặp khó khăn và khiến kết quả kinh doanh của hoạt động này lỗ.

Tuy nhiên, sau khi giá heo hơi tăng trở lại với tốc độ chóng mặt, Chủ tịch HĐQT Dabaco dự báo hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi vào 4 tháng cuối năm và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh quí II/2019 của Vissan, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt hơn 165% lên 61 tỉ đồng nhờ dịch ASF bùng phát dấy lên lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc tại siêu thị thay vì mua tại chợ truyền thống.

Nhập khẩu thịt heo không tăng như dự đoán

Với thị trường thịt heo nội địa chịu tác động mạnh bởi dịch ASF, nhiều dự báo được ra rằng Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn thịt heo giá rẻ hơn giá nội địa từ Brazil, Mỹ, và Ba Lan. Tuy nhiên, báo cáo công bố hôm 11/12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết khối lượng thịt heo nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam giảm nhẹ so với cùng kì năm trước.

Năm heo vàng chỉ nói chuyện con heo - Ảnh 3.

Nhập khẩu thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2019. Đơn vị: USD. Việt hoá: LL Nguồn: Trade Data Monitor/USDA.

Giá trị xuất khuất thịt heo Mỹ sang Việt Nam đã tăng trong 2018 nhưng giảm 54% trong 9 tháng đầu năm 2019.

Liên minh châu Âu (EU) là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu tăng 17,4% trong cùng giai đoạn lên 23,6 triệu USD.

Brazil đã tăng xuất khẩu sang Việt Nam và hiện là nhà xuất khẩu thịt heo lớn thứ hai. Theo USDA, giá cạnh tranh đóng một phần quan trọng trong sự gia tăng thị phần thịt heo nhập khẩu của Brazil tại Việt nam.

Xuất khẩu từ Canada cũng tăng trong 9 tháng đầu năm 2019 lên gần 4 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại có 24 quốc gia, với 1.753 doanh nghiệp được cấp phép, có đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam.

Dự báo năm 2020

Báo cáo từ USDA chỉ ra với sự lây lan của dịch ASF có thể tiếp tục trong năm 2020, sản lượng thịt heo trong nước dự báo sẽ giảm 6% trong năm 2020. Hiện tại, vẫn chưa rõ thời điểm sản xuất sẽ phục hồi về mức trước khi bệnh dịch bùng phát.

Cơ quan nông nghiệp Mỹ cũng dự báo tiêu thụ giảm 5% trong năm sau, trong khi nhập khẩu thịt heo dự kiến tăng 50%.

Lyly Cao