Năm 2020: Mục tiêu tiền lương tăng 12-14% mỗi năm
Đề án đưa ra mục tiêu, cho tới năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng số lao động đạt 50%, năng suất lao động tăng 5,5-6%/năm, đạt mức trung bình ASEAN.Tỷ lệ thất nghiệp thành thị đạt dưới 5%; nông thôn đạt dưới 3%.
Tiền lương tối thiểu đạt 85% mức trung bình ASEAN, mức tiền lương trung bình/tháng/lao động tăng 12-14% mỗi năm.
Trước đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra mức đề xuất, từ ngày 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 180.000 đồng-250.000 đồng so với hiện hành, tương ứng với tỷ lệ từ 7,1%-7,5%.
Đồng thời, đề án còn nhấn mạnh việc gắn kết cung - cầu lao động, phát triển các yếu tố hạ tầng của thị trường lao động. Đến năm 2020, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia phát triển, đảm bảo nối mạng đến các thị thành phố, thị trấn trên cả nước. 70% học sinh, 50% sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo được hướng nghiệp, tư vấn và dịch vụ việc làm, hệ thống dịch vụ việc làm (công lập và tư nhân) đảm bảo cung cấp dịch vụ cho 30% lực lượng lao động.
Nâng cao chất lượng nguồn lực là việc vô cùng quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế. |
Đề án cũng đưa ra các đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo đó, Bộ thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề (không phân biệt hình thức sở hữu) theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp; ưu tiên đặt hàng các nghề nặng nhọc, độc hại, nghề mà thị trường có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh...
Ngoài ra, Bộ cũng nêu rõ về việc tiếp tục xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động.., đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp tham gia dạy nghề, gia tăng số lượng và chất lượng lao động, chọn và gửi các sinh viên xuất sắc để đào tạo đại học và sau đại học, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên phát triển.
Theo Bộ, sự hợp tác, hỗ trợ giữa các trung tâm đào tạo lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ với các địa phương khác trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các vùng nông thôn, nhất là các kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp là cần thiết.