Mỹ và châu Âu gạt bỏ hiềm khích lâu năm để đối đầu Trung Quốc
Mỹ và Liên minh châu Âu đồng ý chấm dứt cuộc đối đầu 17 năm về trợ cấp sản xuất máy bay nhằm hàn gắn các rạn nứt trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, tập trung chống lại Trung Quốc.
Cuộc "đình chiến" tranh chấp trợ cấp máy bay giữa Mỹ và EU được công bố tại cuộc họp giữa Tổng thống Biden với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 15/6.
Tuyên bố của bà Ursula von der Leyen viết: "Hôm nay, với thỏa thuận về Boeing-Airbus, chúng tôi đã thực hiện một bước quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại dài nhất trong lịch sử của Tổ chức Thương mại thể giới (WTO)".
Theo Nikkei Asia, Mỹ và EU đã tranh chấp với nhau về sự hỗ trợ của chính phủ dành cho Boeing và Airbus tại WTO kể từ năm 2004. Hai bên "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan trong bối cảnh căng thẳng thương mại bùng lên dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Dưới thời ông Biden, Mỹ và EU hồi tháng 3 đã đồng ý tạm dừng áp thuế lên hàng hóa của nhau trong 4 tháng. Đến ngày hôm qua, hai bên đồng ý dừng áp thuế quan thêm 5 năm nữa và thành lập nhóm làm việc chung để giải quyết vấn đề.
Đoàn kết để đối phó với Trung Quốc
Giờ đây, liên minh Mỹ-EU nhắm đến việc chống lại các hành vi hạn chế cạnh tranh của Trung Quốc. Phương Tây cho rằng Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) được nhận các khoản trợ cấp hậu hĩnh từ Bắc Kinh. Nhiều nước lo ngại tranh chấp kéo dài giữa Mỹ và EU sẽ chỉ làm lợi cho COMAC và các công ty Trung Quốc khác muốn giành giật thị phần của Boeing và Airbus.
Mỹ và EU cũng đồng ý thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ để thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề từ nghiên cứu và phát triển cho đến quy định.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo đang tìm cách tạo ra khuôn khổ quy định về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác, cũng như an ninh mạng và quyền riêng tư kỹ thuật số.
Sự tăng cường hợp tác về quy định sẽ ngăn chặn việc rò rỉ và các công ty công nghệ quan trọng rơi vào tay người mua nước ngoài. Ý tưởng chung là cùng hợp tác để định hình lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các khoáng chất quan trọng.
Cuộc họp cấp cao diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nỗ lực giành ngôi siêu cường công nghệ toàn cầu. Mỹ và EU đang cố gắng xây dựng những chuỗi cung ứng loại trừ doanh nghiệp Trung Quốc. Liên minh sẽ hợp tác với những quốc gia chung chí hướng như Nhật Bản và Canada để tạo ra quy định quốc tế thông qua WTO.
Trước cuộc họp với EU, đầu tuần này ông Biden đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một lần nữa, Trung Quốc trở thành vấn đề nhức nhối.
"Những tham vọng đã được công bố và hành vi mạnh bạo của Trung Quốc thể hiện thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh", các nhà lãnh đạo NATO nói trong tuyên bố chung.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về chương trình nghị sự 2030 của NATO - kế hoạch cải tổ khối để phản ứng tốt hơn trước các mối đe dọa nổi lên trong những năm tới.
Ông Biden mô tả cơ chế phòng thủ tập thể của NATO là "nghĩa vụ thiêng liêng". Cơ chế này được ghi trong Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO, trong đó quy định rằng mọi đồng minh phải giúp bảo vệ bất kỳ nước đồng minh nào bị tấn công.
Ông Biden nói: "Tôi muốn toàn thể châu Âu biết rằng Mỹ đang ở đây". Phát ngôn của ông Biden khác hẳn ông Trump, người khiến quan hệ song phương nguội lạnh vì cáo buộc đồng minh đóng góp quá ít cho sự bảo vệ chung.
Nhưng bất chấp tiến triển trong quan hệ Mỹ-EU, hai bên vẫn cách biệt nhau về một số vấn đề. Ví dụ, tuy EU đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc xoay quanh những lo ngại về nhân quyền, nhưng nhìn chung khối này vẫn do dự gây tổn thương mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.