Thương chiến của ông Trump tạo ra cho Trung Quốc gã khổng lồ thời trang toàn cầu đầu tiên
Ngày 17/5/2021, Shein ghi nhận chuỗi 152 ngày liên tiếp là ứng dụng mua sắm trực tuyến được tải về nhiều nhất tại Mỹ. Đây là một thành tích cực kỳ ấn tượng cho một thương hiệu thời trang mới 7 tuổi.
Shein là cái tên đang khiến cho giới trẻ phát cuồng nhờ danh mục quần áo vô tận, không ngừng thay đổi với giá phù hợp với cả những chiếc ví mỏng nhất.
Một ngày, ứng dụng Shein có thể cho ra mắt 6.239 sản phẩm mới, bao gồm cả một chiếc váy tay bướm hoàn hảo cho buổi dạ tiệc cuối cấp với giá chỉ 22 USD. Đầu năm nay, một blogger Anh cho biết cô chỉ phải chi 100 bảng Anh (141 USD) cho hơn 30 bộ bikini của Shein, nghĩa là chưa đến 5 USD/bộ. Rõ ràng số bikini nhiều như thế là không cần thiết, nhưng mạng xã hội lại cực kỳ yêu thích sự "mới lạ" kiểu này.
Shein cung cấp những mặt hàng thời trang giá rẻ đến mức khách hàng có thể dễ dàng mua 2, 3 hay thậm chí là 30 món. Đối với nhiều người, sự cám dỗ này tương đương với cảm giác tự do, đặc biệt là những thanh thiếu niên có tài chính eo hẹp.
Sự nhiệt tình của họ đã đưa Shein trở thành hãng thời trang thành công lớn đầu tiên đến từ Trung Quốc, mặc dù nguồn gốc của công ty không được thể hiện trên ứng dụng.
Doanh thu của Shein tăng gấp đôi trong năm 2019 và tiếp tục tăng hơn gấp ba trong năm 2020, biến Shein thành thương hiệu thời trang chỉ dành cho web lớn nhất trên thế giới, theo dữ liệu từ Euromonitor.
Các nhà đầu tư toàn cầu như IDG và Sequoia đã vội vã tìm đến Shein. Nguồn tin của Bloomberg cho biết Shein được định giá 30 tỷ USD, năm ngoái công ty đã thuê Goldman Sachs, Bank of America và JPMorgan để tư vấn về kế hoạch IPO.
Ngư ông đắc lợi
Shein đang đánh bại Zara của Inditex và Hennes & Mauritz ngay trong cuộc chơi của họ, thúc đẩy vượt bậc cho trào lưu thời trang nhanh mà các công ty phương Tây sáng tạo ra.
Để làm vậy, Shein khôn khéo kết hợp hiểu biết về chuỗi cung ứng, thiết kế quần áo dựa theo dữ liệu, và thú vị nhất là tận dụng lỗ hổng thuế ở Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Cuộc chiến Mỹ khơi mào nhằm kiềm chế sự thống trị của đối thủ đã giúp tạo ra một gã khổng lồ cho Trung Quốc.
Năm 2018, khi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống dốc, Trung Quốc đáp trả thuế quan của Mỹ bằng cách miễn thuế xuất khẩu cho các công ty bán hàng trực tiếp cho khách hàng.
Trước đó, Shein đã có sẵn lợi thế từ Mỹ do từ năm 2016, các gói hàng trị giá dưới 800 USD từ Trung Quốc được nhập vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Khi chính quyền Trump tiến hành chiến tranh thương mại để hàng hóa Trung Quốc đắt đỏ hơn thì những đơn hàng giá trị nhỏ vẫn được miễn thuế.
Chính sách hỗ trợ thuế từ Trung Quốc cộng thêm lỗ hổng thuế của Mỹ giúp Shein lợi đơn lợi kép. Doanh số của công ty nhảy vọt trong năm 2019 và 2020. Với sức mua lớn trong đại dịch, Shein tạo ra doanh thu 10 tỷ USD, cao hơn hẳn số tiền Zara kiếm được từ kênh bán hàng trực tuyến năm ngoái, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Hiện nay, Shein không phải đóng thuế xuất khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, cũng như không nộp thuế nhập khẩu cho Mỹ. Lợi thế to lớn của Shein đồng nghĩa với việc đối thủ của công ty gặp bất lợi khổng lồ.
Shein không phải là nhà bán lẻ Trung Quốc duy nhất được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và cũng sẽ không phải là cuối cùng. Nhờ hỗ trợ từ chính phủ, xuất khẩu bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc – hay còn gọi là "thương mại điện tử xuyên biên giới" nhảy vọt 67% trong năm 2018, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Giá trị của lĩnh vực này đã vượt quá 265 tỷ USD và đang tăng trưởng nhanh hơn so với trước khi cựu Tổng thống Trump giáng đòn vào hàng hóa Trung Quốc.
Một số công ty đại chúng Trung Quốc cũng sử dụng chiến lược tương tự Shein, và các báo cáo công bố cho thấy số thuế họ nộp thấp đến mức nào. Ví dụ, Lightinthebox cũng gửi hàng hóa trực tiếp cho khách hàng từ kho hàng ở Trung Quốc. Trong quý I/2021, thuế Lightinthebox phải nộp chỉ tương đương 0,5% lợi nhuận.
Doanh nghiệp Mỹ không thể làm gì trước chính sách thuế của Trung Quốc, nhưng họ đang giận sôi máu về điều khoản miễn thuế nhập khẩu cho đơn hàng dưới 800 USD.
Hồi tháng 4, ông Kim Glas, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng quốc gia của các tổ chức dệt may Mỹ đã viết thư kêu gọi chính phủ Mỹ đặt ra biện pháp khắc phục. Các nhà sản xuất hàng dệt, may mặc và hàng tiêu dùng khác của Mỹ "ngày càng thấy thị trường và lực lượng lao động của họ bị đe dọa bởi hành vi tránh thuế này", ông viết.
Ông Rick Helfenbein, cựu Chủ tịch Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) phàn nàn: "Shein đã lợi dụng triệt để hệ thống". Theo các quy định hiện hành, một chiếc áo phông cotton thông thường được miễn thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 16,5% và thuế quan 7,5% dành riêng cho Trung Quốc. "Như vậy Shein có thể ra giá thấp hơn đối thủ khoảng 24%. Đó là lợi thế cạnh tranh khổng lồ".
Tuy nhiên, gốc gác là công ty Trung Quốc có thể là gót chân Achilles của Shein, dù công ty cố tình không tiết lộ nguồn gốc của mình với khách hàng. Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi ông Trump đã rời khỏi Nhà Trắng.
Người tiêu dùng phương Tây cũng ngày càng có nhận định tiêu cực với bông từ khu vực Tân Cương trước những cáo buộc về cưỡng ép lao động và vi phạm nhân quyền.