Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới
OPEC có thể nới lỏng thỏa thuận giảm sản xuất dầu vào tháng 6 |
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên qua. Ảnh: Reuters. |
Kỳ tích này cho thấy sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ đã định hình lại trật tự năng lượng toàn cầu. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên qua.
“Đó là cột mốc lịch sử và cũng là lời nhắc nhở rằng: đừng bao giờ đánh cược rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ thua”, Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nói.
Texas được xem là tâm điểm của sự bùng nổ dầu đá phiến. Hoạt động sản xuất tại lưu vực Permian ở Tây Texas phát triển mạnh đến mức đã giúp Mỹ vượt qua Ả Rập Xê Út lần đầu tiên trong hơn hai thập niên qua hồi tháng 2.2018, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 6.2018 và tháng 8.2018, đạt gần 11 triệu thùng/ngày. Đà sản xuất mạnh mẽ này đã giúp Mỹ vượt qua Nga lần đầu tiên kể từ tháng 2.1999, theo EIA. Nhiều khả năng Mỹ sẽ không rời khỏi vị trí đỉnh cao sớm. EIA dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt qua cả Nga và Ả Rập Xê Út trong suốt năm 2019.
“Thay đổi cuộc chơi”
Thành tựu của Mỹ đánh dấu tác động sâu sắc của tiến bộ công nghệ trong hoạt động khoan dầu. Kỹ thuật khai thác mỏ dầu thủy lực cắt phá (fracking) đã mở khóa cho dòng dầu và khí tự nhiên khổng lồ bị mắc kẹt dưới lòng đất suốt nhiều năm qua. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp giảm đáng kể chi phí khoan.
“Điều đó đã thay đổi cuộc chơi cho Mỹ. Nó có nghĩa là chúng ta có thể có khả năng phục hồi và năng lực cạnh tranh”, Ben Cook, giám đốc danh mục đầu tư của công ty quản lý đầu tư năng lượng BP Capital Fund Advisors, nói.
Khả năng phục hồi nêu trên là yêu cầu cần thiết sau khi giá dầu giảm vào đầu năm 2014. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra một cuộc chiến về giá để lấy lại thị phần bị mất vào tay Mỹ và các nhà sản xuất dầu khác. Giá dầu giảm khiến hoạt động kinh doanh của hàng chục công ty dầu mỏ của Mỹ bị đóng băng và không ít việc làm trong ngành biến mất.
Sản lượng dầu của Mỹ vào thời điểm đó giảm sút, nhưng không đến mức đáng sợ. Khi giá dầu bắt đầu hồi phục trở lại vào năm 2016, các công ty đá phiến Mỹ đã nhanh chóng tăng sản lượng. Chi phí sản xuất của họ vào thời điểm đó thấp hơn và công nghệ cũng được cải thiện.
Một yếu tố thay đổi cuộc chơi quan trọng khác là Mỹ hiện có khách hàng mua dầu trên khắp thế giới. Cuối năm 2015, Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài suốt 40 năm. Mỹ hiện bán dầu đến Nam Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Texas là siêu cường dầu mỏ
Trong những năm gần đây, các hãng sản xuất dầu lớn trên thế giới như BP và ExxonMobil đã phải bỏ ra hàng tỉ USD để được hoạt động ở lưu vực Permian, thuộc bang Texas. Tiểu bang này đang đi theo đúng kế hoạch với mục tiêu sản xuất nhiều dầu hơn Iran hoặc Iraq.
“Tất cả đều nhờ vào cải tiến công nghệ, với sự hỗ trợ nguồn vốn dồi dào để đầu tư, và sự khéo léo của đội ngũ khoan dầu Mỹ”, McNally, cựu quan chức năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho hay.
Vẫn cần nhập dầu ngoại
Hiện Texas đang nỗ lực quản lý sự bùng nổ dầu đá phiến. Đã có tâm lý vội vàng cho rằng lưu vực Permian đang nhanh chóng cạn kiệt đường ống, công nhân và vật tư. Tuy nhiên, nếu có bất cứ khả năng nào xảy ra, thì Permian đã là nạn nhân cho sự thành công của chính nó.
Sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng không nhiều như suy tính trước đây. Những lo ngại về lưu vực Permian khiến EIA hạ mức dự báo tăng trưởng sản lượng dầu năm 2019 của Mỹ xuống còn 11,5 triệu thùng/ngày. Trong bối cảnh này, con số đó vẫn thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ trước Nga và Ả Rập Xê Út. Năm 2017, Mỹ sản xuất khoảng 9,4 triệu thùng/ngày.
Mặc dù Mỹ hiện nay ít phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, kể cả từ Trung Đông, nhưng khu vực đó vẫn là thị trường dầu mỏ toàn cầu. Những thay đổi chiến lược được OPEC và Ả Rập Xê Út đưa ra tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu. Mỹ sẽ không thể đáp ứng tham vọng của mình đối với dầu nếu chỉ dựa vào sản phẩm nội địa. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ, vốn được xây dựng từ nhiều thập niên trước, hiện vẫn đòi hỏi lượng lớn dầu nhập ngoại.