|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ thu giữ hàng tỷ USD từ các sàn tiền mã hóa, buộc nhiều nhà sáng lập ngồi tù

06:56 | 18/06/2024
Chia sẻ
Trong năm qua, các cơ quan quản lý của Mỹ đã tăng cường kiểm soát thị trường tiền mã hóa, thu giữ hàng tỷ USD từ các sàn giao dịch và buộc nhiều nhà sáng lập ngồi tù.

Nhiều tháng trước khi việc làm của Sam Bankman-Fried và FTX bị phanh phui, nhiều năm trước khi Binance và cựu CEO Changpeng Zhao vướng vào vòng lao lý, ông Do Kwon và Terraform Labs được coi như “kẻ phản diện” của thị trường tiền mã hóa. 

Cặp tiền mã hóa Terra (UST) - Luna do Terraform Labs vận hành đã sụp đổ vào tháng 5/2022, khiến các nhà đầu tư thiệt hại 40 tỷ USD và dẫn đến sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) vào tháng 6/2022. Tiếp theo là sự ra đi của các công ty cho vay tiền mã hóa Voyager Digital, BlockFi, Genesis và FTX.

Trong hai năm trở lại đây, các tòa án hình sự, dân sự và phá sản của Mỹ đã giải quyết những vụ phá sản trên bằng cách truy tố nhà sáng lập, CEO và thu về số tiền hàng tỷ USD của các doanh nghiệp, sàn giao dịch. 

Do Kwon và Terraform Labs

Ông Kwon, 32 tuổi, hiện đang sống ở Montenegro, vùng Balkan. Nhà sáng lập Terraform Labs đã trốn chạy qua nhiều nơi, bao gồm Singapore, Dubai, Serbia và Montenegro.

Không chỉ chịu áp lực pháp lý tại Mỹ, Kwon cũng có thể đối mặt với án tù lên tới 40 năm tại quê hương Hàn Quốc. Terraform Labs từng ra mắt nền tảng Anchor, giúp UST trở nên phổ biến nhờ tỷ suất lợi nhuận 20%. Tuy nhiên, như dự báo của nhiều nhà phân tích ở thời điểm đó, tỷ suất sinh lời này không thể nào bền vững.

Vào thời điểm đó, trái phiếu chính phủ Mỹ có lợi suất khoảng 2% và tiền gửi tiết kiệm là chưa đến 1%. Dù vậy, các nhà đầu vẫn đổ gần 40 tỷ USD vào Luna và UST. Sự sụp đổ của cặp tiền mã hóa này không chỉ gây thiệt hại hàng chục tỷ USD mà còn làm sứt mẻ niềm tin của thị trường chung và dẫn đến hàng loạt vụ phá sản sau đó. 

Ông Do Kwon rời nhà tù sau khi phạm tội làm giả giấy tờ tại Montenegro. (Ảnh: Stevo Vasiljevic/Reuters).

Tuần trước, ông Do Kwon và Terraform Labs đã dàn xếp vụ kiện với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) bằng số tiền 4,5 tỷ USD. Tòa án tuyên bố Kwon và công ty phải chịu trách nhiệm về gian lận chứng khoán.

Việc ông Kwon và Terraform Labs có khả năng trả tiền phạt hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Hiện Terraform Labs chỉ còn tài sản khoảng 150 triệu USD. 

Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết trong một thông cáo báo chí: “Hoạt động lừa đảo của Terraform và ông Do Kwon đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhà đầu tư, trong một số trường hợp xóa sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời”.

“Vụ gian lận này là một lời nhắc nhở rằng, khi các công ty không tuân thủ luật pháp, các nhà đầu tư sẽ bị tổn thương. Terraform và ông Kwon đã chống lại những nỗ lực điều tra của chúng tôi. Rất may, với thỏa thuận dàn xếp này, các nạn nhân sẽ có được công lý”, Chủ tịch SEC nói.

Sam Bankman-Fried và FTX

Người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 năm tù vào tháng 3/2024 vì một loạt tội danh. Bản án tại tòa án liên bang Manhattan thấp hơn đáng kể so với mức 40 đến 50 năm tù mà công tố viên liên bang mong muốn, nhưng lại cao hơn nhiều so với mức 5 đến 6,5 năm mà các luật sư bào chữa đề xuất.

Thẩm phán Lewis Kaplan cũng yêu cầu Sam Bankman-Fried nộp 11 tỷ USD cho chính phủ Mỹ. Hiện ông Bankman-Fried đang có kế hoạch kháng cáo.

Ông Sam Bankman-Fried rời tòa án vào đầu năm 2024. (Ảnh: Fatih Aktas/Anadolu Agency).

Ông Ryan Salame, cựu lãnh đạo của FTX, bị kết án 90 tháng (7,5 năm) tù giam và sau đó là ba năm giám sát. Bà Caroline Ellison, CEO của Alameda Research, người từng hẹn hò với Bankman-Fried; ông Nishad Singh, Giám đốc kỹ thuật FTX; và ông Gary Wang, người đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của FTX đang chờ kết án. Cả ba đã làm chứng chống lại Bankman-Fried. 

Vào tháng 5, FTX thông báo rằng hầu hết khách hàng sẽ lấy lại được tiền của mình và có thể còn nhiều hơn. Sàn giao dịch này tuyên bố có từ 14,5 tỷ đến 16,3 tỷ USD để trả cho các chủ nợ, khách hàng. 

Những người dùng có yêu cầu bồi thường từ 50.000 USD trở xuống sẽ nhận được khoảng 118% số tiền yêu cầu bồi thường, theo đề xuất của FTX.

Changpeng Zhao và Binance

Tỷ phú, nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao đã trình diện tại một nhà tù ở California. Ông Zhao bị kết án 4 tháng tù vào tháng 4/2024 sau khi nhận tội cho phép hoạt động rửa tiền trên sàn Binance.

Trước đó, vào tháng 11/2023, ông Zhao đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ để dàn xếp cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Ông cũng từ chức CEO của Binance như một phần trong thỏa thuận. Mặc dù không còn điều hành Binance, Zhao được cho là đang nắm 90% cổ phần công ty.

Mỹ đã yêu cầu Binance trả 4,3 tỷ USD tiền phạt. Ông Zhao đồng ý nộp phạt thêm 50 triệu USD. 

Ông Changpeng Zhao rời tòa án vào ngày 30/4/2024. (Ảnh: Jason Redmond/AFP).

Những người đang chờ xét xử

Sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) và các công ty cho vay Voyager Digital hay Celsius đều liên quan tới dự án Terra-Luna. Cả ba công ty đều đã phá sản và hiện đang ở các giai đoạn khác nhau để giải quyết các khoản nợ. 

Cựu CEO của Celsius là ông Alex Mashinsky sẽ phải đối mặt với phiên tòa hình sự ở Mỹ vào cuối năm nay. Nhà đồng sáng lập của 3AC là ông Kyle Davies tuyên bố không cảm thấy tiếc về quỹ đầu cơ của mình. Ông đã tránh được việc ngồi tù bằng cách đi khắp thế giới. Trong khi đó, ông Su Zhu, người đồng sáng lập của 3AC, đã từng ngồi tù ở Singapore.

Minh Quang