|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một năm sau khi FTX sụp đổ, thị trường tiền mã hóa đã thay đổi gì?

07:00 | 13/11/2023
Chia sẻ
Một năm sau khi FTX sụp đổ, thị trường tiền mã hóa trở nên trầm lắng và ít sẵn sàng chịu rủi ro hơn. Các nhà chức trách tăng cường các biện pháp giám sát, trong khi giới đầu tư thận trọng hơn. Đồng thời, thị trường tài chính phi tập trung ngày càng phát triển như một giải pháp thay thế cho những sàn giao dịch tập trung.

Sam Bankman-Fried rời khỏi tòa án tại New York năm 2022. (Ảnh: Stephanie Keith/Bloomberg). 

Theo Bloomberg, một năm trôi qua kể từ khi sàn giao dịch FTX sụp đổ, ngành công nghiệp tiền mã hóa đã trải qua nhiều thay đổi lớn. Hầu hết những nhà giao dịch liều lĩnh, sử dụng đòn bẩy cao đã biến mất. Những người nổi tiếng và có ảnh hưởng (KOL) cũng không còn quảng cáo NFT (token không thể thay thế) hay memecoin (những đồng tiền lấy cảm hứng từ hình ảnh nổi tiếng trên internet). 

Các cơ quan quản lý đang siết chặt việc kiểm soát thị trường. Trong khi đó, những ông lớn trong ngành tài chính như BlackRock lại đang nhảy vào lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, thị trường tiền mã hóa vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đầu cơ và thiếu những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Chất lượng tài sản đảm bảo của đồng tiền ổn định Tether (USDT), một trong những trụ cột của ngành công nghiệp tiền mã hóa đang bị nghi ngờ. Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, vẫn hoạt động mà không có trụ sở chính thức. 

Bà Hilary Allen, Giáo sự luật tại Đại học Mỹ Washington, cho biết: “Ngành công nghiệp này chủ yếu vẫn cung cấp các tài sản được tạo ra từ hư vô và có thể bị thao túng”. 

“Chúng tôi vẫn thấy các sàn giao dịch tiền mã hoá thực hiện hoạt động môi giới, kéo theo đó là các xung đột lợi ích. Vẫn có những cáo buộc về việc sàn giao dịch trộn lẫn tài sản khách hàng với tài sản riêng”, bà nói thêm. 

Thị trường

Vào thời điểm FTX sụp đổ, thị trường tiền mã hóa đã gặp khó khăn trong nhiều tháng sau sự ra đi của một loạt cái tên như TerraUSD, Three Arrow Capital hay Celsius Network. Ông Aaron Brown, một nhà đầu tư tiền mã hóa và cây viết trên Bloomberg Opinion, cho biết: “FTX chỉ là đỉnh điểm của một năm sụp đổ tín dụng trên thị trường tiền mã hóa”.

“Sự sụp đổ này làm giảm mạnh lợi nhuận từ giao dịch, phí giao dịch, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động stalking (gửi tiền mã hóa để nhận thưởng), NFT và những bong bóng khác”, ông nói thêm. 

Theo bà Tegan Kline, đồng sáng lập của Edge & Node, công ty đã phát triển một dự án tiền điện tử có tên The Graph, cho biết số lượng công ty cung cấp giao dịch OTC đã giảm. Kết hợp cùng việc đòn bẩy thấp hơn, tình trạng này làm giảm tính thanh khoản. 

“Đòn bẩy không còn nữa”, bà Kline nói. “Rất nhiều người đã rút tiền khỏi hệ thống, hoặc bị kẹt lại ở FTX”.

Một số sàn giao dịch tiền mã hóa đã triển khai các chương trình cho vay mới trong những tháng gần đây. Một số dự án cho vay khác cũng được kỳ vọng sẽ sớm ra mắt để lấp đầy khoảng trống. Việc ETF bitcoin được phê duyệt cũng có thể hỗ trợ thanh khoản. 

Một trong những khía cạnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là NFT. Khối lượng giao dịch NFT hàng tuần đã giảm còn một nửa so với trước khi FTX phá sản.

Khối lượng giao dịch NFT đã giảm sâu vào chưa có dấu hiệu phục hồi. 

Các cơ quan quản lý

Sự kiện FTX khiến các chính phủ nhận ra sự cần thiết của các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tiền mã hóa. Trong thời gian ngắn, Ủy ban Chứng khóa và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) đã kiện những sàn tiền mã hóa hàng đầu như Binance (cùng CEO Changpeng “CZ” Zhao), CoinBase và Kraken. 

Ông Jacob Joseph, nhà phân tích tại CCData, cho biết: “Các cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát sàn giao dịch tập trung kể từ khi FTX sụp đổ”. 

Tháng 5, Liên minh châu Âu đã thông qua quy định Thị trường tài sản mã hóa (MCA), cung cấp khung pháp lý mới cho ngành. Cả Hong Kong (Trung Quốc) và Dubai đều đưa ra những quy định quản lý mới đối với tiền mã hóa trong mùa hè vừa qua, cam kết kiểm soát những hành vi xấu và định hướng để trở thành trung tâm cho ngành công nghiệp tiền mã hóa. 

Việc các cơ quan quản lý trên toàn cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát đã khiến Binance rút khỏi các quốc gia như Canada, Nga hay Hà Lan. 

Ngoài ra, ông Changpeng Zhao cũng không phải CEO duy nhất trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý. Tháng 7, một năm sau khi Celsius nộp đơn phá sản, cựu CEO Alex Mashinky bị bắt và buộc tội lừa đào. Tuần trước, cựu CEO của FTX, Sam Bankman-Fried cũng bị kết án với 7 tội danh về lừa đảo và âm mưu lừa đảo, rửa tiền sau phiên tòa kéo dài một tháng. 

Ông Cory Klippsten, CEO của Bitcoin Swan, nhận định: “Phán quyết trên cho thấy ngay cả trong lĩnh vực tiền mã hóa, thủ phạm của những loại lừa đảo này cuối cùng sẽ phải đối diện với pháp luật và lãnh hậu quả do tội ác của mình gây ra”.

Giới đầu tư mạo hiểm

Vào năm 2021 và đầu 2022, các nhà đầu tư mạo hiểm rót hàng tỷ USD vào những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền mã hóa. Tuy nhiên, sự sụp đổ của FTX đã tạo ra một đợt rút chạy vội vàng. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong quý III/2023 giảm 63% so với một năm trước, xuống còn 1,9  tỷ USD, theo PitchBook. 

Ông David Pakman, đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm CoinFund, cho biết: “Chúng tôi có ít tiền hơn cho lĩnh vực này”. Ông nói thêm rằng các quỹ đầu mạo hiểm tập trung vào công nghệ đã chuyển hướng khỏi tiền mã hóa sang những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI). 

Những công ty đã bơm gần 2 tỷ USD cho FTX bị chỉ trích nặng nề vì không phát hiện được hành vi gian lận. Sequoia Capital, Thoma Bravo và Paradigm thậm chí còn phải đối mặt với một vụ kiện tập thể từ các nhà đầu tư FTX. Những người này cáo buộc rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm trên đã thổi phồng về sàn giao dịch FTX.

Giá trị đầu tư mạo hiểm đã giảm gần một nửa sau 1 năm. 

Hiện tại, các nhà đầu tư đang tiến hành kiểm tra lý lịch của người sáng lập công ty, xem xét những dữ liệu như doanh thu và tăng trưởng khách hàng, ông Pakman cho hay. “Họ cần nhiều hơn một bản kế hoạch kinh doanh”.  Ông cũng cho biết các công ty khởi nghiệp đã thích nghi và lựa chọn những nơi thân thiện hơn với tiền mã hóa như như Singapore, Anh hay Liên minh châu Âu. 

Bà Kate Laurence, CEO của Bloccelerate VC, nói sự phấn khích phi lý trong đợt tăng giá của tiền mã hóa đã khiến hoạt động kiểm tra các khoản đầu tư tiềm năng bị bỏ qua. Tuy nhiên, giờ đây hoạt động thẩm định không còn là thứ mà các công ty đầu tư mạo hiểm có thể bỏ qua. 

Thị trường tài chính phi thập trung

Ông Paul Veradittakit, đối tác quản lý tại Pantera Capital nhận định rằng sự sụp đổ của sàn giao dịch tập trung FTX đã khơi dậy sự quan tâm đến tài chính phi tập trung (DeFi).

Ông nói: “Chúng tôi thấy một loạt các công ty DeFi mới xoay quanh các sản phẩm phái sinh và cấu trúc, các công ty cung cấp dịch vụ tách biệt giữa lưu ký và thanh toán bù trừ, cũng như các công ty mang lại sự minh bạch hơn về tín dụng”.

Mặc dù vẫn giảm so với một năm trước, tổng số tiền mã hóa được “staking” trên các ứng dụng DeFi đã phục hồi trong những tháng gần đây. 

Thị trường tài chính phi tập trung đang phục hồi nhanh chóng trong những tháng gần đây. 

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).