|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ ra sức loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ thế giới

06:02 | 08/10/2020
Chia sẻ
Ban đầu, chính phủ Mỹ chỉ gây áp lực để các công ty Mỹ tẩy chay một vài doanh nghiệp Trung Quốc cụ thể. Giờ đây, nỗ lực của Mỹ đã mở rộng thành cuộc phong tỏa lớn bao vây công nghệ Trung Quốc.
Mỹ ra sức loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ thế giới - Ảnh 1.

Hình minh họa: Eric Chow

Vào mùa hè năm 2020, các quan chức Mỹ đến gặp ban lãnh đạo một công ty công nghệ lớn tại Đài Bắc là một trong những nhà cung cấp chính của Apple.

Các quan chức Mỹ cắt luôn màn tán gẫu thông thường và đi thẳng vào chủ đề chính: "Sao các ông không dịch chuyển thêm năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc? Sao không đẩy nhanh tiến độ?"

Thông điệp được phát đi rất rõ ràng: Chính phủ Mỹ đang đang trực tiếp kêu gọi công ty này cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Quan chức Mỹ cũng gặp mặt vài nhà sản xuất hàng đầu khác của Đài Loan cung cấp sản phẩm cho Huawei, các nguồn tin của Nikkei Asia cho biết. 

Đối với giới lãnh đạo trong ngành điện tử của Đài Loan, những cuộc gặp mặt trên là dấu hiệu khác cho thấy cuộc chiến giành ngôi siêu cường công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang tới tầm cao mới.

Cuộc chiến này bắt đầu từ năm 2016 khi Mỹ trừng phạt công ty thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc. Xung đột giữa hai siêu cường ngày càng nghiêm trọng khi Washington gia tăng sức ép đối với các công ty Trung Quốc bị cho là mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Mỹ ra sức loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ thế giới - Ảnh 2.

Một màn hình hiển thị logo của Huawei phía sau Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo vào tháng 7. (Ảnh: AP)

Từ đầu năm đến nay, Washington đã ba lần sửa đổi luật xuất khẩu để nhắm vào Huawei. Các nhà cung cấp cho Huawei đang rất thận trọng về luật pháp Mỹ. Trong vòng hai năm qua, chính quyền ông Trump đã tăng tốc nỗ lực nhằm đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Hơn 70 công ty và tổ chức Trung Quốc bị Mỹ xếp vào Danh sách Thực thể trong năm nay.

Nikkei Asia dẫn lời ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Viện Hinrich cho biết: "Washington đã vũ khí hóa các chuỗi cung ứng công nghệ nhằm cản trở tham vọng công nghệ của Trung Quốc".

Theo cách hiểu của giới lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan, Mỹ muốn truyền tải thông điệp sau: Chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giảm bớt quan hệ với các khách hàng Trung Quốc như Huawei và sát cánh với Mỹ. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với tình huống xấu nhất là trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington.

Căng thẳng Mỹ-Trung hiện tại

Mới hai năm trước, ý tưởng định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ phức tạp đã cắm rễ tại Trung Quốc còn là điều không tưởng. Nhưng áp lực từ chính quyền ông Trump đã biến điều không tưởng thành hiện thực. Hàng loạt công ty lớn như Apple và Google đã dần rút khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia trong 36 tháng qua.

Tháng trước, thông qua Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), chính phủ Mỹ đã công khai nhắc lại thông điệp của mình rằng tất cả các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài nên rời khỏi Trung Quốc.

Ngày 4/9, Giám đốc AIT Brent Christensen đã tổ chức một diễn đàn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cùng với các đối tác EU, Canada và Nhật Bản. Ông Christensen công khai ủng hộ việc tách rời kinh tế với Trung Quốc.

Theo lệnh của chính phủ Mỹ có hiệu lực từ ngày 15/9, mọi nhà cung cấp chip trên thế giới phải xin giấy phép để bán hàng cho Huawei.

Đến ngày 19/9, Trung Quốc tạo ra danh sách thương mại đen của riêng họ với tên gọi "Danh sách thực thể không đáng tin cậy", áp dụng cho bất kì doanh nghiệp nước ngoài nào chính phủ cho là đối xử bất công với công ty Trung Quốc.

Dù chưa có công ty nào bị Trung Quốc đặt vào danh sách đen, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) hồi tháng 5 nhận định rằng Apple, Qualcomm, Cisco Systems và Boeing là các nạn nhân tiềm năng.

Cuộc di cư đắt đỏ

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, khoảng 2.000 công ty Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, bao gồm rất nhiều nhà cung cấp công nghệ đã lên kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.

Công ty công nghệ, đặc biệt là các thương hiệu Mỹ như Apple có ý định chuyển 15 đến 30% năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc.

Apple bắt đầu sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam từ đầu năm nay và có kế hoạch mở rộng ra cả các sản phẩm khác. Gã khổng lồ công nghệ này cũng yêu cầu các nhà lắp ráp iPhone chủ chốt là Foxconn và Wistron mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ.

Mỹ ra sức loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ thế giới - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất smartphone hiện đã đóng cửa của Samsung tại Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Samsung đóng cửa nhà máy lắp ráp smartphone cuối cùng tại Trung Quốc từ năm 2019 và hoàn toàn chuyển sự tập trung sang Việt Nam và Ấn Độ. Hoạt động sản xuất máy chủ cho các trung tâm dữ liệu của Google, Amazon và Facebook cũng được chuyển sang đảo Đài Loan. Hai năm trước, tất cả các máy chủ như vậy đều được sản xuất tại Trung Quốc đại lục.

Sự bùng phát bất ngờ của đại dịch COVID-19 thúc đẩy các nhà cung cấp công nghệ phân bổ bớt nguồn lực sang vài khu vực khác nhau. Lo ngại về gián điệp nước ngoài cũng làm giảm thiện cảm của một số quốc gia đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chi phí để rời Trung Quốc là rất lớn. Trung Quốc vẫn mang đến sự kết hợp hàng đầu thế giới giữa cơ sở hạ tầng được tổ chức tốt, lao động có tay nghề cao, khả năng huy động hàng trăm nghìn công nhân và giao linh kiện trong vài giờ chỉ với một cuộc điện thoại, Nikkei Asia cho biết. 

Giám đốc Maurice Lee của Unimicron Technologies, một nhà sản xuất bảng mạch in lớn cho biết việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là thách thức vô cùng lớn đối với công ty ông và những doanh nghiệp cùng ngành. 

"Ở Trung Quốc, chúng tôi có một hệ sinh thái hoàn chỉnh và rất gần với tất cả các nhà cung cấp của mình... Dịch chuyển đến bất kì nơi nào khác đồng nghĩa với việc mọi qui trình, logistics cần phải được thiết kế lại, và phải đào tạo lại toàn bộ công nhân. Dĩ nhiên là chi phí sẽ gia tăng".

Giang