Mỹ: Nỗ lo suy thoái thúc đẩy các 'đại gia' ngân hàng tăng trích lập quỹ dự phòng
Các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall đã quyết định tăng trích lập quỹ dự phòng để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra, đồng thời tỏ ra thận trọng về dự báo tăng trưởng thu nhập trong một nền kinh tế không chắc chắn và lãi suất cao hơn làm gia tăng cạnh tranh về thu hút tiền gửi.
Triển vọng đối với các ngân hàng lớn của Mỹ đã bị che mờ bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp kích thích kinh tế đang dần đi tới hồi kết. Chi phí đi vay cao hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã làm giảm nhu cầu thế chấp và vay mua ô tô, trong khi làm tăng chi phí tiền gửi cho các ngân hàng.
Giữa bối cảnh đó, bốn ngân hàng lớn của Mỹ quyết định dành tổng cộng khoảng 4 tỷ USD để chuẩn bị cho các khoản nợ khó đòi: JPMorgan Chase & Co trích lập 1,4 tỷ USD, Wells Fargo & Co 957 triệu USD, Bank of America Corp 1,1 tỷ USD và Citi 640 triệu USD. Morgan Stanley và Goldman Sachs sẽ công bố báo cáo vào tuần tới.
JPMorgan, Wells Fargo và Bank of America đều đưa ra triển vọng đáng thất vọng hoặc không chắc chắn về thu nhập lãi ròng (NII) – chỉ số tiền mà các ngân hàng có được từ các khoản thanh toán lãi. Khoản này bị ảnh hưởng bởi số tiền các ngân hàng phải trả cho khách hàng để giữ tiền gửi tại chỗ họ.
Giám đốc điều hành (CEO) JPMorgan Jamie Dimon cho biết nền kinh tế Mỹ hiện vẫn mạnh, người tiêu dùng vẫn chi tiêu các khoản tiền mặt dư thừa và các doanh nghiệp hoạt động tốt. Song JPMorgan đã lưu ý về sự suy giảm nhẹ trong triển vọng kinh tế vĩ mô, cho hay điều đó phản ánh khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ.
Lợi nhuận của JPMorgan tăng 6% nhờ hoạt động giao dịch mạnh và cho biết họ sẽ tiếp tục mua lại cổ phiếu. Bank of America báo cáo lợi nhuận tăng 2% do lãi suất cao hơn hỗ trợ thu nhập. Tuy nhiên, Citi đã báo cáo lợi nhuận giảm 21% do hoạt động ngân hàng đầu tư bị ảnh hưởng. Wells Fargo báo cáo rằng lợi nhuận của họ đã giảm 50% do chi phí hoạt động tăng lên 3 tỷ USD.
CEO Dimon của JPMorgan cho biết đang có nhiều sự cạnh tranh về thu hút tiền gửi, vì lãi suất cao hơn khiến khách hàng muốn chuyển sang đầu tư và các lựa chọn thay thế tiền mặt khác. Điều đó nghĩa là ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm.
Bank of America cho biết hỗn hợp các khoản tiền gửi có chịu lãi suất trên toàn cầu của họ đã tăng lên và ngân hàng đang trả lãi suất cao hơn cho những khoản tiền gửi đó để giữ chân khách hàng.
Giới quan sát cho hay ngành ngân hàng đang chứng kiến xu hướng tiền gửi trực tiếp chảy vào thị trường trái phiếu chính phủ hoặc các quỹ tiền tệ có lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ chưa sớm biến mất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý rằng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn trong năm nay.
Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết dự báo của JPM về thu nhập lãi thuần đạt 74 tỷ USD là dưới mức mong đợi. JPMorgan trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh cũng thừa nhận triển vọng thu nhập lãi thuần của họ đặc biệt không chắc chắn.
Tương tự, Bank of America cho biết triển vọng lãi suất còn quá nhiều bất ổn để dự báo về thu nhập lãi thuần cho năm nay. Wells Fargo dự báo thu nhập của họ tăng 10% trong năm nay so với năm 2022, thấp hơn ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv về mức tăng trưởng 16%.
Citi cũng ước tính thu nhập lãi thuần vào khoảng 45 tỷ USD cho năm 2023, thấp hơn một chút so với 43,5 tỷ USD vào năm 2022.