Mỹ muốn chặn Con đường tơ lụa của Trung Quốc
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể nổ ra năm tới | |
CASS: Kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc trong năm 2018 |
Trong bài diễn văn đầu tiên về "Chiến lược an ninh quốc gia" mới công bố, Tổng thống Donald Trump nhắc tới 4 cột trụ: bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thịnh vượng kinh tế, hòa bình và tăng cường ảnh hưởng của của nước Mỹ. Trong đó, đáng chú ý, nếu như các đời tổng thống trước xem sức mạnh quân sự và ngoại giao là những lá chủ bài để duy trì vị thế địa chính trị của Mỹ, thì nay, Donald Trump đặt sức mạnh kinh tế lên ngang hàng với tiềm năng quân sự.
Thái độ của Mỹ nằm trong một loạt những phản ứng gần đây thế giới chống lại các hành động bành trướng của Bắc Kinh. Chính quyền Trump đã hợp sức với châu Âu bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Tại hội nghị của OMC ở Buenos Aires tuần qua, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã hợp sức đối đầu với Trung Quốc, chỉ trích việc Bắc Kinh ngoan cố không muốn giảm sản xuất công nghiệp và từ bỏ một số hành vi thương mại "có vấn đề".Tổng thống Mỹ thứ 45 chủ trương "khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ" là một vế trong "chiến lược an ninh quốc gia". Mục tiêu đầu tiên Tổng thống Trump nhắm tới là Trung Quốc khi ông khẳng định rằng, mọi trao đổi mậu dịch giữa Mỹ với các đối tác thương mại phải được "bình đẳng, công bằng và dựa trên nguyên tắc có qua có lại".
Theo Washington Post, phản ứng đáp trả cũng gia tăng vào lúc nhiều người ở phương Tây lo ngại trước khả năng Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua giành nguyên liệu, giành thị trường chứng khoán và giành ảnh hưởng về ý thức hệ.
Ngay những quốc gia có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc cũng bắt đầu có phản ứng trước chương trình hạ tầng cơ sở "Một vành đai - Một con đường" mà Bắc Kinh đang theo đuổi với mục tiêu tái lập lại Con đường tơ lụa mới.
Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc đang dựng lên |
Chẳng hạn, Sri Lanka phải trả món nợ 8 tỷ USD cho Trung Quốc bằng hợp đồng cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm. Hợp đồng này được nhìn nhận là “chính sách ngoại giao bẫy nợ” phương hại đến chủ quyền của Sri Lanka. Theo Reuters, từ đầu năm đến nay, các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở 68 quốc gia nằm dọc “Con đường tơ lụa” mới đã đạt trị giá 33 tỷ USD, vượt qua mức 31 tỷ USD của cả năm 2016.
Trung Quốc tuyên bố Con đường tơ lụa mới là cách để tăng cường giao thương giữa các quốc gia và lan tỏa thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phương Tây vẫn nghi ngờ rằng mục đích chính của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Luật sư Hilary Lau thuộc Công ty luật Herbert Smith Freehills nhận định. “Các vụ thâu tóm này cũng được hậu thuẫn bởi chính sách. Tiền vốn được cấp bởi các ngân hàng Trung Quốc và các quỹ quốc gia”.
Mặc dù khoản đầu tư của Trung Quốc đưa ra rất hấp dẫn nhưng nhiều quốc gia đã cảnh giác trước "củ cà rốt" mà Bắc Kinh chào mời. Pakistan đã hủy bỏ một đề án xây đập trị giá 14 tỷ USD sau khi Bắc Kinh nói rõ là muốn làm chủ con đập sau khi xây dựng xong. Nepal cũng có một thông báo cho biết là đã hủy đề án đập thủy điện khác vì lý do tương tự.
Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng từ chối trở thành một thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), một định chế do Trung Quốc khởi xướng một phần nhằm thúc đẩy sáng kiến “con đường tơ lụa”. Tờ Nikkei biết Tokyo sẽ đề xuất một cuộc đối thoại chiến lược với lãnh đạo Mỹ, Ấn và Úc, nhằm tạo ra đối trọng với chính sách "Vành đai, con đường" trong kế hoạch bành trướng của Trung Quốc.
Dù trước đây tỏ ý ủng hộ "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc nhưng nay Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc phải siết lại chính sách với Trung Quốc sau thời gian dài có vẻ "buông lỏng".