Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể nổ ra năm tới
Thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại vì ông Trump thất vọng về Trung Quốc? | |
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dưới đánh giá của chuyên gia |
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Tổng thống Mỹ - Donald Trump luôn tỏ ra bất mãn với Trung Quốc và cam kết mạnh tay với vấn đề thương mại. Tuy nhiên, khi nhậm chức, thái độ của ông lại thay đổi hoàn toàn.
Ông không xếp Trung Quốc vào nhóm "thao túng tiền tệ" như hứa hẹn, mà lại cởi mở với Bắc Kinh về thắt chặt quan hệ kinh tế. Mỹ còn hoãn thực hiện nhiều cuộc điều tra quan trọng.
"Dù phát biểu khá mạnh bạo năm ngoái, Chính quyền Mỹ vẫn đang kiềm chế đáng kể các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc", Louis Kuijs - nhà kinh tế học châu Á tại hãng tư vấn Oxford Economics nhận xét.
Dù vậy, sự kiên nhẫn của ông Trump có vẻ đang dần mất, đặc biệt khi ông đưa ra ý tưởng đánh vào thương mại với hy vọng gây sức ép buộc Trung Quốc có động thái giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong vòng vài tháng tới, Trump và quan chức thương mại Mỹ được kỳ vọng thông báo kết quả từ các cuộc điều tra lớn (với các vấn đề như thép hay sở hữu trí tuệ), có thể khiến hàng Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu.
Mỹ - Trung có thể đối đầu nhiều hơn về thương mại năm tới. Ảnh: AFP |
"Tôi dự báo có một cuộc chiến tranh thương mại trong nửa đầu năm. Nó có thể phát triển thành một xung đột nghiêm trọng, đe dọa nhiều mặt khác của quan hệ hai nước", Scott Kennedy - Giám đốc Dự án Kinh tế chính trị và Kinh doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận xét.
Các cuộc nói chuyện đầu tiên về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - bắt đầu sau khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình gặp nhau tại Florida tháng 4 năm ngoái - đã không đạt kết quả đáng kể nào. Trong chiến lược quốc gia mới công bố, ông Trump khẳng định Trung Quốc và Nga là đối thủ của Mỹ, "đang cố làm yếu sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ". Ông còn kết tội Bắc Kinh có hoạt động thương mại không công bằng.
"Chúng ta đều biết rằng việc này sẽ nóng lên trong những tháng tới", Mireya Solis - đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Brookings Institution dự báo.
Bà lo ngại rằng không như quan hệ đối thủ kinh tế giữa Mỹ và Nhật thập niên 80, Washington và Bắc Kinh không phải là đồng minh quân sự. Dù cả hai có quan hệ kinh tế sâu sắc, việc thiếu quan hệ đồng minh có thể khiến căng thẳng thương mại leo thang mạnh hơn.
Bắc Kinh hôm qua cũng đáp trả ông Trump, kêu gọi Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và "ngừng bóp méo" về các dự định chiến lược của Trung Quốc. Mỹ đang gặp thách thức lớn trong việc thuyết phục Bắc Kinh ngừng hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời mở cửa thị trường nội địa khổng lồ, mà không gây ra một cuộc chiến thương mại có thể khiến người Mỹ mất việc làm.
Trên thực tế, ông Trump thậm chí còn từ bỏ một công cụ có thể kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đầu năm nay. Nếu TPP có hiệu lực, "Trung Quốc sẽ phải cải tổ", David Dollar - một chuyên gia về Trung Quốc tại Brookings Institution nhận định.
"Tuy nhiên, giờ chúng ta đã mất điều đó. Và chính quyền lại đang bàn về các biện pháp mạnh tay nào đó, có khi không thay đổi được Trung Quốc, mà lại gây rủi ro cho cả hai nền kinh tế", ông nói.
Ông Trump còn từ chối thương mại đa phương, vì cho rằng "chúng trói tay" nước Mỹ. Tuy nhiên, thái độ đó chỉ càng khiến Mỹ khó gây sức ép buộc Trung Quốc chơi công bằng.
"Mỹ đang đơn phương theo đuổi nỗ lực này, không có đồng minh nào cả. Vì Mỹ đối đầu với nhiều nước, nên chẳng quốc gia nào đứng về phía Mỹ", Kennedy giải thích.
Dollar không tin rằng các phát ngôn mạnh bạo của Nhà Trắng sẽ biến thành các biện pháp bảo hộ mạnh tay chống lại Trung Quốc. "Tôi cho rằng Mỹ sẽ không đi theo hướng đó đâu. Cộng đồng doanh nghiệp và các nghị sĩ sẽ phản đối rất nhiều", ông dự báo.
Dù vậy, Bắc Kinh cũng đang dần nhận ra các tín hiệu đối đầu từ Washington. "Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại rồi", Song Guoyou - chuyên gia ngoại giao kinh tế Trung Quốc tại Đại học Fudan (Thượng Hải) nhận xét. Ông cũng dự báo năm tới sẽ là "sự bắt đầu thực sự của sóng gió trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung".
Các chuyên gia cho rằng mấu chốt của vấn đề là ông Trump vẫn cứ tập trung vào thâm hụt thương mại 209 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc. "Cán cân thương mại chẳng có quan hệ gì với việc Trung Quốc chơi công bằng hay không cả. Trên thực tế, nếu Trung Quốc giảm một số rào cản với đầu tư nước ngoài, thặng dư thương mại của họ với Mỹ có thể còn tăng".
Tuy nhiên, ông Trump có vẻ sẵn sàng thử mọi cách để giảm thâm hụt, kể cả nếu việc này dẫn đến xung đột. Khi ấy, ông có thể còn đối mặt với thách thức lớn hơn. "Dấn thân vào một cuộc chiến tranh thương mại dễ dàng hơn nhiều so với thoát ra", Kennedy cảnh báo.