|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ

15:37 | 23/12/2021
Chia sẻ
Sau gần hai năm, hạn chót thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ còn cách một tuần. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa thể đáp ứng các cam kết mua hàng với Mỹ.

Trong bối cảnh thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hết hạn trong tuần tới, công chúng toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các cam kết mua hàng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa mua đủ tối thiểu 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ (so với mức của năm 2017). Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra, tổng lượng hàng hóa mà Trung Quốc mua của Mỹ trong giai đoạn 1/2020 - 10/2021 chỉ đạt khoảng 60%.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng quả thực đã đè nặng lên khả năng nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc.

Song, vấn đề đó lẫn chính trị không phải là yếu tố quyết định. Theo các chuyên gia kinh tế, trong hai năm qua, các cân nhắc kinh tế mới là động lực thúc đẩy hoạt động thu mua hàng hóa của Bắc Kinh.

Đối với một số sản phẩm, Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh quốc gia để tích trữ trong bối cảnh thị trường hàng hóa biến động thất thường. Trái lại, với một số hàng hóa khác, Trung Quốc không cần hoặc không muốn mua quá nhiều.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc đặt bút ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Washington, tháng 1/2020. (Ảnh: Shutterstock).

SCMP đã vẽ lại một bức tranh tổng quan nhất về việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một của Trung Quốc trong gần hai năm qua, cụ thể như sau:

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 3.

Theo ông He Weiwen, cựu tham tán kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco, sau khi cân nhắc các yếu tố cung - cầu, mục tiêu mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa là quá xa vời.

"Thứ nhất, Trung Quốc không cần nhiều hàng hóa như vậy chỉ trong hai năm. Thứ hai, Mỹ cũng không đủ sức cung ứng nhiều như vậy trong hai năm", ông He nhấn mạnh.

Thời gian đầu thực hiện thỏa thuận, đại dịch COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng đến cung - cầu của hai bên. Sang năm nay, gián đoạn logistics đã thuyết phục giới chuyên gia Trung Quốc rằng những trở ngại từ phía nguồn cung chính là nguyên nhân khiến Bắc Kinh hụt hơi trong cuộc đua mua hàng hóa của Mỹ.

Ông Lu Xiang, chuyên gia cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), đã khảo sát một số công ty vận tải biển nội địa trong những tháng gần đây. Họ cho biết các container dùng để vận chuyển hàng hóa sang Mỹ trong năm nay đều trống trơn mà quay về Trung Quốc.

Theo trưởng bộ phận nghiên cứu Judah Levine của hãng hàng hải Freightos, thông thường khoảng 55 - 60% container từ Mỹ về châu Á sẽ trống không và phần còn lại sẽ được chất đầy hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ lệ container trống quay về châu Á đã tăng lên khoảng 75 - 80%.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 5.

Vị chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính là sự chênh lệch lớn giữa cước vận chuyển giữa hai chiều.

Do nhu cầu của phương Tây đối với hàng hóa Trung Quốc rất cao, giá cước vận chuyển từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ đã tăng lên 26.000 USD/container loại 40 feet trong quý III năm nay - cao hơn 20 lần so với chiều ngược lại.

Trong quý IV, giá cước chiều châu Á - Mỹ đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn còn cao hơn chặng về khoảng 17 lần. "Kết quả là, có nhiều trường hợp các đơn đặt container chở hàng xuất khẩu của Mỹ bị trì hoãn hoặc bị hủy, vì các công ty vận tải ưu tiên đưa container rỗng về châu Á", ông Levine giải thích.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 6.

Xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc đạt giá trị thấp nhất trong ba lĩnh vực hàng nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một gồm năng lượng, chế tạo và nông nghiệp. Dựa trên số liệu xuất khẩu của Mỹ, tính đến tháng 10/2021, Trung Quốc chỉ mới hoàn thành 37% mục tiêu mua hàng năng lượng.

Trong tổng cộng 67,7 tỷ USD cam kết mua các sản phẩm năng lượng, mặt hàng chính - chiếm gần 60% giá trị, là dầu thô. Song, đến tháng 10 năm nay, Trung Quốc chỉ mới mua khoảng 34% mục tiêu, theo PIIE.

SCMP dẫn lời giới chuyên gia cho biết, khả năng nhập khẩu năng lượng Mỹ của Trung Quốc bị hạn chế do các cung lẫn cầu, trong bối cảnh giá cả trên thị trường tăng chóng mặt.

Cụ thể, sản lượng dầu thô hàng năm của Mỹ vẫn ở dưới mức của năm 2019. Do lợi tức đầu tư thấp, các nhà đầu tư đang rất thận trọng trong việc mở rộng sản xuất. Ngoài ra, Washington cũng đang theo đuổi tham vọng giảm phát thải CO2, điều này buộc các công ty dầu khí phải giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 8.

Ở diễn biến khác, Giám đốc Sophie Fenglei Shi của IHS Markit nói một yếu tố khác tác động đến việc mua hàng của Trung Quốc là hệ thống lọc dầu tại nền kinh tế tỷ dân. Dầu thô mà Mỹ xuất khẩu là loại ngọt nhẹ, trong khi các cơ sở lọc dầu của Trung Quốc được thiết kế để chế biến các loại nặng và chua hơn (thường đến từ Trung Đông).

Khác biệt về cơ cấu hệ thống lọc dầu càng ngăn cản chính quyền ông Tập thực thi toàn vẹn thỏa thuận thương mại với Washington.

Dẫu vậy, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ của Trung Quốc lại tăng mạnh trong hai năm qua và có thể vượt mục tiêu mua hàng. Tuy nhiên, mức đóng góp này còn lâu mới đủ để lấp đầy khoảng trống nhập khẩu do dầu thô để lại.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 6.

Mặc dù khá "hững hờ" với các mặt hàng khác, Trung Quốc lại rất tích cực dự trữ ngũ cốc của Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 9.

Theo dữ liệu của PIIE, khác với các mặt hàng năng lượng, nông sản lại là nhóm hàng hóa mà Trung Quốc thu mua nhiều nhất từ Mỹ. Đến nay, Bắc Kinh đã hoàn thành 83% mục tiêu mua nông sản đề ra.

Các chuyên gia lưu ý, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm leo thang trên toàn thế giới trong năm. Các công ty nhà nước của Trung Quốc dường như đã đứng sau các thương vụ mua nông sản lớn kỷ lục của năm 2021.

Ông Lin Guofa, nhà phân tích cấp cao của hãng tư Bric Agricultural, dự đoán Trung Quốc có thể mua mua toàn bộ lượng ngũ cốc mà Mỹ có thể cung ứng. "Bắc Kinh đang nóng lòng tăng lượng ngũ cốc dự trữ…", ông Guofa nhận định.

Sắp hết hạn thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc có lẽ phải đành thất hứa với Mỹ - Ảnh 10.

Trái ngược với hàng hóa nông nghiệp, Trung Quốc không cần phải dự trữ nhiều sản phẩm chế tạo, đặc biệt là giữa lúc mức tiêu thụ trong nước sa sút vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Dễ hiểu khi Bắc Kinh chưa mua đủ lượng hàng hóa chế tạo như đã hứa hẹn.

Ông Chad Bown, thành viên cấp cao của PIIE, cho biết: "Ô tô và máy bay là hai mặt hàng được Trung Quốc mua ít nhất. Tuy nhiên, xu hướng này thực chất đã thể hiện rõ rệt từ hơn một năm trước và xuất hiện từ năm 2018, rất lâu trước khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong năm 2021".

Tuy nhiên, chất bán dẫn lại là một câu chuyện khác. Ông Bown nói, dự đoán rằng Mỹ có thể cắt đứt nguồn cung chất bán dẫn cho Trung Quốc do lo ngại an ninh quốc gia, các công ty như Huawei và SMIC đã tích cực tích trữ hàng trong hai năm qua. Do đó, việc mua chất bán dẫn đã vượt mục tiêu của thỏa thuận giai đoạn một.

Trong bối cảnh chỉ còn khoảng một tuần trước khi thỏa thuận kết thúc, các quan chức Mỹ - Trung sẽ phải tăng cường tần suất đàm phán. Washington sẽ thúc giục Bắc Kinh hoàn thành các cam kết mua hàng, song các bất ổn và căng thẳng trong mối quan hệ song phương thì vẫn còn đó.

Ông Lu Xiang của CASS nhận xét, hai nước không nên biến vấn đề mua bán hàng hóa thành trở ngại trong quá trình đàm phán. Hai bên đều có quyền chấm dứt thỏa thuận một cách vô điều kiện nhưng không ai chọn hành động như thế.

Vị chuyên gia gợi ý, nếu hai nướccó thể gia hạn thời gian thực thi thỏa thuận thêm vài năm, Trung Quốc sẽ có khả năng đạt được các mục tiêu. Đây là hành động rất bình thường trong đàm phán thỏa thuận thương mại, ông Lu nhấn mạnh.

Yên Khê