|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Năm 2021, thương mại Trung Quốc vẫn bùng nổ nhưng dấu hiệu hụt hơi đã lộ diện trong tháng 12

16:41 | 14/01/2022
Chia sẻ
Xuất nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 được dự báo là không hề dễ dàng cho Trung Quốc và dấu hiệu suy yếu đã lộ diện từ tháng 12.

ASEAN là đối tác thương mại số một của Trung Quốc

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới công bố, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ghi nhận kết quả hoạt động thương mại ấn tượng trong năm 2021, mặc dù các dấu hiệu suy yếu đã lộ ra khi tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu chậm lại trong tháng 12.

Tính chung cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của đất nước tỷ dân tăng khoảng 29,9% so với năm 2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu nhảy vọt khoảng 30,1%, SCMP liệt kê.

Riêng trong tháng 12, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng khoảng 20,9% lên gần 340,5 tỷ USD nhưng vẫn kém hơn so với mức tăng 22% ghi nhận trong tháng 11.

Còn nhập khẩu tháng 12 năm ngoái cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 19,5%, đạt khoảng 246 tỷ USD. Song, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 31,7% trong tháng 11 và thấp hơn mức kỳ vọng 27,8% của Bloomberg.

Năm 2021, thương mại Trung Quốc vẫn bùng nổ nhưng dấu hiệu hụt hơi đã lộ diện trong tháng 12 - Ảnh 1.

Đáng chú ý, 10 quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, theo sau là Liên minh châu Âu (EU). Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đã tăng lên gần 49,8 tỷ USD trong tháng 12, cao hơn khoảng 12% so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 22,53% lên 39,65 tỷ USD.

Trong tháng 12, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đã tăng 25,65% so với một năm trước đó lên 52,85 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 2,91% xuống 27,7 tỷ USD.

Ở diễn biến khác, giữa lúc xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra vẫn đang tiếp diễn, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Australia đã tăng 18,89% so với một năm trước lên 4,55 tỷ USD vào tháng 12.

Thương mại Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 - Ảnh 1.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy thương mại nước này đã phát triển ấn tượng trong năm 2021. (Ảnh: Bloomberg)

Bắc Kinh chưa hoàn thành cam kết mua hàng với Mỹ

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc sau ASEAN và EU. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh đã hết hạn vào cuối tháng 12, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa hoàn thành cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong hai năm (so với mốc của năm 2017).

Một báo cáo tháng 12 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy tính đến cuối tháng 11, nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng 62% so với yêu cầu của thỏa thuận. Nếu tính theo số liệu của Mỹ, con số này chỉ mới đạt khoảng 60% mục tiêu.

Năm 2021, thương mại Trung Quốc vẫn bùng nổ nhưng dấu hiệu hụt hơi đã lộ diện trong tháng 12 - Ảnh 2.

Tính riêng tháng 12, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ tăng 3,3% lên 17,13 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 21,1% lên hơn 56 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 12/2021 đã tăng 31,14% lên 39,23 tỷ USD.

Tính chung cả năm 2021, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã nhích 32,7% lên 179,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 27,5% lên 576,11 tỷ USD. Năm 2021, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã cao hơn năm 2020 khoảng 25,14%, đạt khoảng 396,6 tỷ USD.

Mây đen phủ bóng thương mại Trung Quốc năm 2022

“Sang năm 2022, hoạt động thương mại của Trung Quốc đang đối mặt với sự bấp bênh, bất ổn và mất cân đối ngày càng lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ ba phía, bao gồm nhu cầu thu hẹp, nguồn cung suy giảm và kỳ vọng yếu hơn”, phát ngôn viên Tổng cục Hải quan Trung Quốc Li Kuiwen cho biết.

Ông Li cũng nói thêm: “Đại dịch toàn cầu vẫn còn nghiêm trọng, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và không chắc chắn, cộng với thành tích cao của năm 2021, (sẽ khiến) thương mại năm 2022 phải đối mặt với những áp lực nhất định.

Dù đối mặt với những khó khăn và thách thức này, chúng tôi cũng nhận thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi và các yếu tố tích cực trong dài hạn sẽ không thay đổi. Chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc duy trì thương mại ổn định”.

SCMP lưu ý, nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu tích cực vào năm 2021 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng bắt đầu hụt hơi trong nửa cuối năm nay trong bối cảnh chính phủ có các biện pháp siết chặt ngành bất động sản, công nghệ và giáo dục.

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm và quý IV vào đầu tuần sau. Các chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng quý IV/2021 sẽ chậm hơn mức tăng 4,9% trong quý III. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đã hạ ước tính tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc từ lần lượt 8,5% và 8.1% xuống 8%.

Đạt Thái

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).