Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dưới đánh giá của chuyên gia
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở bang Florida, Mỹ ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo bài viết của chuyên gia Dong Dong Zhang ở Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia, đăng trên Diễn đàn Đông Á, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung mới được công bố là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước.
Có thể nói, thỏa thuận này được coi là “vụ thu hoạch” sớm trong kế hoạch 100 ngày kể từ sau cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bang Florida (Mỹ), cho thấy khả năng quan hệ song phương đã có sự thay đổi dưới thời lãnh đạo của Donald Trump và Tập Cận Bình.
Thỏa thuận này bao gồm thương mại nông nghiệp, dịch vụ tài chính, đầu tư và hợp tác năng lượng. Rõ ràng, mỗi phần trong thỏa thuận này nhắm mục tiêu vào một lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh hoặc trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng có xu hướng gia tăng của Trung Quốc.
Trong thỏa thuận này, đa số hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc như thịt bò, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 16/7 tới, đúng 100 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.
Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt bò lớn thứ hai và tiêu dùng LNG lớn thứ ba trên thế giới. Những mặt hàng này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới cùng với sự giàu có, thu nhập bình quân và nhu cầu sử dụng năng lượng sạch tăng lên ở Trung Quốc.
Mỹ hiện chiếm thị phần rất nhỏ ở Trung Quốc, do đó thông qua thỏa thuận này, Mỹ sẽ có khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc tốt hơn rất nhiều. Việc các nhà cung cấp Mỹ xâm nhập thị trường Trung Quốc sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc thị trường khí đốt châu Á.
Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi từ việc có một nhà cung cấp mới giúp đa dạng hóa các nguồn cung ứng và hạ thấp giá cả trong bối cảnh xu hướng này đang tăng cao hơn ở châu Á so với ở Mỹ.
Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ cho phép các tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ xếp hạng tín dụng. Điều này sẽ giúp thắt chặt hơn nữa kỷ luật đối với một số thị trường Trung Quốc và cải thiện độ tin cậy xếp hạng tín dụng của nước này. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đưa ra quyết định chính xác hơn trong giao dịch và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung liệu có phải là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước. Ảnh minh họa: Reuters |
Thỏa thuận tài chính cho phép hai ngân hàng của Mỹ là JPMorgan Chase và Citigroup có được giấy phép bảo lãnh phát hành nợ liên ngân hàng và giải quyết nợ doanh nghiệp. Khi đó, Mỹ sẽ đối xử với các ngân hàng của Trung Quốc giống như các ngân hàng nước ngoài khác muốn hoạt động tại Mỹ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ sẽ cùng hướng tới một thỏa thuận về giám sát và giải quyết các các giao dịch qua biên giới.
Thỏa thuận này còn bao gồm quyết định của Mỹ trong việc gửi cố vấn chính sách châu Á hàng đầu của chính quyền của Tổng thống Trump, ông Matt Pottinger, sang Trung Quốc để tham dự diễn đàn quốc tế “Vành đai và Con đường” trong các ngày 14-15/5 vừa qua.
Đây là một quyết định đầy bất ngờ vì Mỹ trước đây luôn phản đối sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Sự thay đổi này cho thấy Mỹ đang háo hức muốn các công ty trong nước tham gia vào các dự án của sáng kiến, mà theo ông Pottinger, một nhóm công tác đặc biệt trong Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cũng đang xem xét nghiên cứu các dự án này.
Do vậy, câu hỏi được đặt ra là thỏa thuận thương mại này nên được đánh giá như thế nào. Nhìn bên ngoài, nó có thể không mang nhiều ý nghĩa. Ông Ian Driscoll thuộc Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho rằng đây là “một sự khởi đầu tốt”, nhưng “không phải là một bước đột phá” bởi nó cũng giống như các thỏa thuận trước đây.
Mỹ cũng sẽ phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu vốn có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường thịt bò và LNG ở Trung Quốc, chẳng hạn như Australia. Trước thỏa thuận này, Trung Quốc cũng đã có giai đoạn tự do hóa xuất khẩu thịt bò và thanh toán điện tử với Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này lại đánh dấu một sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ Mỹ-Trung, phản ánh những nỗ lực, ưu tiên, chiến lược của ông Trump và ông Tập. Với khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Trump muốn tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Còn Chủ tịch Tập đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump mở rộng xuất khẩu của Mỹ chứ không phải giảm bớt xuất khẩu của Trung Quốc, và tìm kiếm một sự hợp tác cùng có lợi chứ không phải là một cuộc chiến tranh thương mại mà sẽ làm tổn hại cho cả hai nước.
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ được quản lý dưới sự bảo trợ của kế hoạch Đối thoại Kinh tế Toàn diện giữa hai nước, được dẫn dắt bởi Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.
Cuộc đối thoại song phương tiếp theo dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về sản phẩm nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác giữa chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc và chính quyền bang của Mỹ. Kế hoạch 100 ngày cũng sẽ được mở rộng thêm một năm nữa để thúc đẩy hợp tác song phương.
Reuters: TPP có thể được hồi sinh tại hội nghị APEC đang diễn ra ở Việt Nam
Nhật Bản và các nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ quyết định vực dậy thỏa thuận thương ... |
Mỹ - Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận làm ăn 'béo bở'
Ngày 11-5 (giờ Mỹ), Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại mà theo đánh giá là 'tích cực' đối với cả ... |
Bloomberg: Việt Nam xoay xở thế nào với mối đe dọa thương mại từ ông Trump?
Trước việc chính quyền ông Trump đặt mục tiêu bảo hộ thương mại và rút khỏi thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương (TPP), xuất ... |