|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ, Iran tranh cãi ‘nảy lửa’ về giá dầu trước thềm hội nghị OPEC

09:45 | 14/06/2018
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran ngày 13/6 đã tranh cãi quyết liệt về giá dầu. Ông Trump chỉ trích OPEC khiến giá dầu tăng cao, trong khi Iran cáo buộc ông làm thị trường biến động sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với nước này.
my iran tranh cai nay lua ve gia dau truoc them hoi nghi opec Thị trường dầu thô năm 2018 vẫn còn nhiều bất ổn dù thời kỳ dư cung đã kết thúc
my iran tranh cai nay lua ve gia dau truoc them hoi nghi opec 'Nội chiến' có xảy ra trong cuộc họp OPEC sắp tới?

Tổng thống Trump làm bùng nổ cuộc khẩu chiến khi một lần nữa lên Twitter cáo buộc Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khiến giá dầu tăng cao quá mức.

my iran tranh cai nay lua ve gia dau truoc them hoi nghi opec
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images/Shutterstock/CNNMoney.

Giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm ngoái sau khi OPEC và các quốc gia đối tác, trong đó có Nga, bắt đầu cắt giảm sản lượng từ đầu năm 2017. OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong hai ngày 22 và 23/6 và được cho là sẽ tăng sản lượng trở lại.

Ông Hossein Kazempour Ardebili – người đại diện của Iran tại OPEC, “phản pháo” ông Trump trong một tuyên bố với Reuters, “Ngài không thể áp đòn trừng phạt lên hai thành viên sáng lập của OPEC và rồi cáo buộc OPEC làm biến động giá. Đây là kinh doanh, thưa Tổng thống, chúng tôi tưởng ngài đã biết điều đó”. Hai thành viên sáng lập OPEC mà ông Ardebili đề cập là Iran và Venezuela.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và các nước đối tác dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, nhưng kế hoạch sau đó vẫn chưa rõ ràng. Tình hình thay đổi sau khi Tổng thống Mỹ hồi tháng 5 thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết vào năm 2015.

Mỹ gây áp lực buộc các quốc gia châu Âu và châu Á ngưng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran hoặc làm ăn với nước này. Saudi Arabia – quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và Nga – quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã bắt đầu tăng sản lượng. Saudi Arabia – kình địch của Iran, trước đó ủng hộ Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo số liệu của OPEC, sản lượng dầu của Saudi Arabia tăng lên 10,03 triệu thùng/ngày trong tháng 5, tuân thủ hạn ngạch của thỏa thuận. Trong khi đó, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết, sản lượng của Nga hồi đầu tháng là 11,1 triệu thùng/ngày, vượt hạn ngạch của thỏa thuận giảm sản lượng.

Giá dầu Brent chạm kỷ lục 80,5 USD/thùng trong tháng trước, sau đó giảm về 77 USD/thùng vào ngày 13/6, một phần do lo ngại thỏa thuận giảm sản lượng sẽ kết thúc.

Khả năng OPEC tăng sản lượng khiến thị trường lo ngại về công suất dự phòng hạn chế của khối này, vốn có thể chạm đáy 2 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ khiến thị trường gặp khó khăn trong việc phản ứng với một cú sốc nguồn cung như đang diễn ra tại Venezuela, nơi sản lượng dầu xuống thấp nhất trong 33 năm qua do khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Tại Mỹ, giá xăng trên toàn quốc tăng lên gần 3 USD/gallon (khoảng 18.000 đồng/lít) vào mùa cao điểm du lịch hè, nhưng vẫn thấp hơn mức 4 USD/gallon trong thời kỳ Đại Khủng hoảng 2007 – 2009. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu tiêu thụ xăng vẫn cao, ước tính khoảng 9,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước.

Xem thêm

Trường Giang