|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Mỹ cố sức phản đối Trung Quốc mở căn cứ quân sự, dù Washington đang có hàng trăm căn cứ trên toàn cầu?

17:42 | 08/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù sở hữu hàng trăm căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn quyết tâm ngăn cản Trung Quốc tham gia vào thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon. Hiện nay, Bắc Kinh chỉ đang vận hành một căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất ở châu Phi.

Hàng trăm căn cứ

Tờ Al Jazeera trích dẫn nghiên cứu của Giáo sư David Vine thuộc Đại học American cho biết, tính đến tháng 7/2021, Mỹ đang có 750 cơ sở quân sự tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Con số thật sự có thể còn cao hơn bởi không phải tất cả dữ liệu đều được Lầu Năm Góc công bố.

Mỹ có căn cứ quân sự tại hầu hết khu vực trên thế giới. 

Theo định nghĩa của giáo sư Vine, các cơ sở quân sự của Mỹ được phân làm hai loại: “Căn cứ” có kích thước lớn hoặc “lá súng” với kích thước nhỏ.

“Căn cứ” là các cơ sở quân sự lớn hơn 10 hecta và trị giá hơn 10 triệu USD. Mỗi căn cứ thường có hơn 200 quân nhân Mỹ. 439 trong tổng số 750, hay 60% cơ sở quân sự của Mỹ thuộc loại này.

“Lá súng” có diện tích nhỏ hơn 4 hecta, giá trị thấp hơn 10 triệu USD. “Lá súng” thường là địa điểm hợp tác an ninh hoặc cơ sở hoạt động tiền phương, chiếm 40% tổng số cơ sở quân sự của Mỹ .

Nhật Bản là quốc gia có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ nhất trên thế giới với 120. Tiếp theo là Đức với 119 cơ sở và Hàn Quốc là 73.

Theo dữ liệu triển khai quân sự toàn cầu được công bố trên Tạp chí Khoa học Hòa bình và Quản lý Xung đột, Mỹ có khoảng 173.000 binh sĩ tại 159 quốc gia vào năm 2020. Tương tự như với các cơ sở quân sự, quốc gia có nhiều binh sĩ Mỹ nhất là Nhật Bản với 53.700 người, Đức với 33.900 người và Hàn Quốc với 26.400 người.

Tại khu vực Thái Bình Dương, hai khu vực có nhiều căn cứ quân sự nhất của Mỹ là Guam và Nhật Bản. 

Căn cứ không quân Andersen khổng lồ của Mỹ tại đảo Guam. (Ảnh: Jason Robertson/Không quân Mỹ).

Duy nhất một căn cứ

Theo SCMP, vào năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chương trình hiện đại hóa quân đội. Kể từ đó, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển những trang thiết bị và vũ khí mới. Theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc gửi lên Quốc hội vào năm 2020, Bắc Kinh đã vượt Washington về quy mô hạm đội hải quân.

“Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với tổng cộng khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 tàu chiến trên mặt nước cỡ lớn. Trong khi đó, hải quân Mỹ hiện chỉ có 293 tàu tính đến đầu năm 2020”, báo cáo cho biết.

Mặc dù là quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc chỉ sở hữu duy nhất một căn cứ quân sự ở nước ngoài. 

Căn cứ quân sự tại Djibouti của Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Tính đến cuối năm 2021, Bắc Kinh chỉ sở hữu duy nhất một căn cứ quân sự tại Djibouti. Theo SCMP, Căn cứ Hỗ trợ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Djibouti có diện tích khoảng 50 hecta, nằm ở vùng Sừng của Châu Phi, với chi phí đầu tư khoảng 590 triệu USD. Theo dữ liệu của Giáo sư David Vines, ngay tại quốc gia này, Mỹ có một "căn cứ" và một "lá súng".

Căn cứ của Mỹ tại Djibouti có thể chứa khoảng 1.000-2.000 binh sĩ, có đường băng dài 400 m và sân đỗ trực thăng. Vào năm 2019, một cầu cảng mới được xây dựng dài hơn 300 m có thể chứa được nhiều loại tàu chiến như tàu sân bay hay tàu ngầm hạt nhân.

 Căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại Djibouti có quy mô lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. 

Ông Timothy Heath, một nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Rand cho rằng Trung Quốc hiện sở hữu hạm đội lớn nhất thế giới, sẽ cần khả năng tiếp cận quân sự tại nước ngoài nhiều hơn để bảo vệ lợi ích của mình.

“Việc thiếu căn cứ quân sự tại nước ngoài là vấn đề đối với Bắc Kinh bởi Trung Quốc phụ thuộc vào các thị trường, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên ở những nơi xa như Trung Đông, Châu Phi hay Mỹ Latin. 

“Những dự án nằm trong [Sáng kiến Vành đai Con đường] rất dễ bị thiệt hại và gián đoạn, và gây ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế Trung Quốc cũng như thế giới”, ông Heath nói.

Ngoài căn cứ của mình ở Djibouti, Trung Quốc đang tìm kiếm các cơ sở quân sự bổ sung tại một số quốc gia như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola.

Vì sao Mỹ, Australia lo sợ

Tháng 4/2022, Mỹ và Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh gây nhiều quan ngại cho các quốc gia lân cận cũng như Mỹ. Nội dung chi tiết của thỏa thuận này không được chính thức công bố nhưng một số thông tin đã rò rỉ từ nhiều nguồn. 

Quần đảo Solomon là một quốc gia bao gồm sáu hòn đảo lớn và hơn 900 hòn đảo nhỏ hơn ở Châu Đại Dương, ở phía đông của Papua New Guinea và phía tây bắc của Vanuatu. 

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2020, quần đảo Solomon có diện tích đất liền 28.400 km2 và dân số 652.858 người. Nơi đây từng diễn ra trận chiến ác liệt giữa Mỹ với Phát xít Nhật trong Thế chiến II.

Vị trí địa lý trọng yếu từng biến quốc đảo trở thành chiến trường đẫm máu trong Thế chiến giờ đây lại khiến Solomon trở thành nơi tranh giành quyền ảnh hưởng của các cường quốc. Quần đảo Solomon nằm án ngữ giữa tuyến đường thủy từ Australia sang Châu Mỹ và gần một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Vị trí chiến lược của Quần đảo Solomon. (Ảnh: Google Maps).

Mỹ lo sợ việc Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Washington. Trong khi Canberra lo sợ sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc tại hòn đảo chỉ cách Australia hơn 1.600 km.

Khi Trung Quốc tuyên bố đã ký thỏa thuận an ninh với hòn đảo nhỏ bé nằm tại Thái Bình Dương này, nhiều quốc gia như Australia, Mỹ và New Zealand đã có phản ứng mạnh mẽ. Australia và Mỹ đã lo lắng đến mức gửi phái đoàn tới Quần đảo Solomon nhằm hi vọng ngăn chặn thỏa thuận được ký kết.

Trung Quốc không cần căn cứ?

Theo CNN, nhà khoa học Tarcisius Kabutaulaka tại Đại học Hawaii cho biết nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không xây dựng một căn cứ quân sự thông thường tại Quần đảo Solomon do lo sợ “dư luận tiêu cực”.

Tuy nhiên, ông Kabutaulaka cho rằng, nếu Trung Quốc có thể mang tàu chiến và binh sĩ tới hòn đảo thì không cần thiết phải xây dựng một căn cứ quân sự.

Mặc dù chi tiết về thỏa thuận chưa được tiết lộ, một bản nháp bị các đối thủ chính trị của Thủ tướng Manasseh Sogavare ở Solomon làm rò rỉ. Bản nháp cho thấy Hải quân Trung Quốc có thể cập cảng tại đảo và Bắc Kinh được phép triển khai lực lượng cảnh sát và quân đội tại đây.

Ông Mihai Sora, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Australia tại viện nghiên cứu Lowy chỉ ra rằng căn cứ hải quân tại Djibouti trong thỏa thuận an ninh ký kết với Trung Quốc được gọi với cái tên “cơ sở logistics”.

Ông Hugh White, giáo sư danh dự về các nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng căn cứ quân sự của Trung Quốc tại một quốc đảo nhỏ bé sẽ chỉ trở thành vấn đề với Australia trong các cuộc xung đột với Bắc Kinh. Sức ảnh hưởng của căn cứ quân sự này phụ thuộc vào việc Canberra dàn xếp quan hệ với Bắc Kinh.

"Tôi cho rằng thỏa thuận này gần như không gây thiệt hại cho an ninh của Australia như nhiều người nghĩ", ông White nói. "Tuy nhiên, thỏa thuận an ninh sẽ là một vấn đề lớn nếu Australia và Trung Quốc xảy ra chiến tranh".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon là “thông tin sai lệch do một số ít người có động cơ mờ ám bịa ra”.

Tờ The Guardian cho biết, Thủ tướng Manasseh Sogavare đã cáo buộc chính phủ Australia đạo đức giả về vấn thỏa thuận an ninh của Quần đảo Solomon với Trung Quốc, cho rằng hiệp ước AUKUS cũng không hề minh bạch.

Ông Sogavare cho biết Quần đảo Solomon và các quốc gia khác trong khu vực “lẽ ra phải được tham vấn để đảm bảo rằng hiệp ước AUKUS là minh bạch vì nó sẽ ảnh hưởng đến khu vực bằng cách cho phép tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương”.

Minh Quang