Mỹ hỗ trợ 1,7 triệu USD để nghiên cứu dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam
Cụ thể, Trung tâm Thông tin Sức khỏe heo (SHIC) đã nhận 1,7 triệu USD từ phòng Dịch vụ Động vật Quốc tế của USDA để làm việc với các nhà nghiên cứu và Hội đồng Các nhà sản xuất Thịt heo Quốc gia Mỹ (NPPC) hình thành chương trình giải quyết dịch ASF tại Việt Nam.
Cơ quan Điều tra Thực phẩm Canada (CFIA) cũng tham gia vào dự án này.
Dự án nhiều giai đoạn nhằm thành lập một chuỗi các dự án đào tạo năng lực và hợp tác với các nhà sản xuất heo Việt Nam để phát triển những phương pháp ngăn chặn hoặc giám sát dịch ASF tại Mỹ, theo ông Paul Sundberg, Giám đốc điều hành tại SHIC cho hay.
Trong khi SHIC tổ chức dự án, đóng vai trò là nhà quản lí cho các hạng mục liên quan, dự án là sự hợp tác lớn giữa nhiều tổ chức, gồm Hội đồng các nhà sản xuất thịt heo Mỹ, USDA, CFIA, Đại học Minnesota, Đại học bang Iowa cùng với các nhà chức trách chính phủ, phòng nghiên cứu và nhà sản xuất tại Việt Nam.
"Hiện có hai chương trình đang diễn ra trong dự án. Chúng tôi đang tổ chức một loạt các hội thảo và cơ hội học hỏi trực tuyến cho bác sĩ thú y và nhà sản xuất tại Việt Nam để hiểu về dịch ASF và dịch tễ học, kiểm soát và giám sát dịch bệnh... hình thành năng lực để phản ứng và giải quyết dịch bệnh", ông Sundberg nói với Feed Navigator.
Phần thứ hai là làm việc với các hộ chăn nuôi tại Việt Nam, tìm hiểu cách dịch ASF lây lan tại các trang trại, với mục tiêu nhằm giúp Mỹ ngăn chặn bệnh dịch, và trường hợp không thể ngăn chặn thì ít nhất giúp quốc gia này có thể phản ứng và hồi phục một cách tốt và nhanh chóng hơn, ông cho biết thêm.
Khoản đầu tư từ Mỹ sẽ hỗ trợ chương trình trong hai năm, với mục đích ban bầu là hợp tác để phát triển chương trình đào tạo và gặp gỡ các nhà sản xuất tại trang trại nhanh nhất có thể.
Ảnh: Getty Images.
Theo dõi virus ASF trong thức ăn chăn nuôi và tại trang trại
Nghiên cứu về dịch ASF tại các quốc gia như Mỹ hay Canada có thể bị hạn chế vì qui mô của cơ sở an toan sinh học, theo ông Sundberg.
"Chúng tôi có thể nghiên cứu dịch ASF với 2 hoặc 3 hoặc 15 con heo, nhưng nó sẽ không giống như trong một trang trại, nơi hàng triệu con heo được nuôi và virus lan truyền", ông nói.
Hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam có thể đảm bảo qui mô nghiên cứu.
Việt Nam xác nhận ổ dịch ASF đầu tiên vào tháng 2. Kể từ đó, bệnh dịch đã lây lan ra 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, theo dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).
"[Trong dự án nghiên cứu tại Việt Nam] chúng tôi đang cố tiến hành phần tích để tìm hiểu cách virus ASF xâm nhập vào trang trại và heo bắt đầu bị nhiễm bệnh như thế nào... gồm cả vấn đề thức ăn chăn nuôi, để hiểu vai trò có thể có của thức ăn chăn nuôi trong việc đưa virus vào trang trại cũng như những con đường khác", ông Sundberg nói thêm.
Ông nhận định có những cách khác có thể giúp virus xâm nhập [vào trang trại], vì vậy họ sẽ đi tìm hiểu toàn bộ.
Các nhà nghiên cứu sẽ phát hiện ra nếu dịch bệnh là kết quả từ một phần của cơ sở chăn nuôi khi heo khỏe mạnh được nuôi tại các điểm khác nhau trong trang trại.
"Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu qui trình tẩy rửa và khử trùng, sau đó tái đàn, để xem nếu chúng tôi có thể rút ngắn thời gian từ giảm đàn đến tài đàn và thực hiện điều này một cách hiệu quả", ông Sundberg chia sẻ với Feed Navigator.
Phần giáo dục của dự án sẽ do các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota dẫn dắt.