|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ cấm vận hai vùng ly khai từ Ukraine, EU cam kết có biện pháp bổ sung

08:23 | 22/02/2022
Chia sẻ
Trước quyết định công nhận độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nhà Trắng phản ứng bằng cách áp dụng lệnh trừng phạt đối với khu vực này.
Mỹ trừng phạt hai tỉnh ly khai của Ukraine, EU cam kết tung ra biện pháp bổ sung - Ảnh 1.

Từ trái sang: Tổng thống Anh Johnson, Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Ukraine Zelenskyy, Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Financial Times).

Tối 21/2, Tổng thống Mỹ Biden ký lệnh hành pháp cấm các khoản đầu tư, thương mại hoặc tài trợ mới của công dân Mỹ tới, từ, hoặc trong Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở Ukraine.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rõ: "Những biện pháp này là riêng biệt và sẽ bổ sung cho các biện pháp cấm vận kinh tế nghiêm khắc và nhanh chóng mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ ban hành nếu Nga tiếp tục tấn công Ukraine".

Bà Psaki nói thêm rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ sẽ chia sẻ thêm chi tiết về hành động của chính quyền Biden.

Ông Putin ra quyết định công nhận chủ quyền của hai vùng ly khai ở Donbass trong bài diễn văn truyền hình kéo dài một giờ đồng hồ tối 21/2. Quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Biden mô tả diễn văn của ông Putin là "bài phát biểu trước người dân Nga nhằm biện minh cho chiến tranh".

"Bài phát biểu này không chỉ về an ninh Nga, mà là cuộc tấn công vào chủ quyền và độc lập của Ukraine. Putin thể hiện rõ rằng ông ta coi Ukraine về mặt lịch sử là một phần của Nga và đưa ra nhiều tuyên bố sai lệch về ý định của Ukraine. Bài phát biểu như được thêu dệt để làm cái cớ cho các hành động quân sự có thể xảy ra".

Vị quan chức cũng nói rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục theo dõi hành động của Nga trong khu vực và phản ứng thích hợp nếu có thêm hành động gây hấn chống lại Ukraine.

"Chúng tôi sẽ có thêm hành động trừng phạt bổ sung vào ngày mai và nếu Nga có động thái tiếp theo, tôi ngờ rằng Mỹ sẽ có thêm biện pháp đáp trả chúng. Đó là cách chúng tôi xử lý vấn đề này từ trước đến nay và là cách chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý mọi việc trong tương lai".

"Dấu hiệu đen tối"

Mỹ và đồng minh châu Âu đã cảnh báo từ trước rằng động thái này của ông Putin có thể là bước dạo đầu cho cuộc tiến công của Nga. Các lãnh đạo châu Âu cũng phê phán thông báo của ông Putin và đe dọa sẽ có phản ứng sau "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" của Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ra tuyên bố chung: "Liên minh châu Âu (EU) sẽ đáp trả bằng cách trừng phạt những bên tham gia vào hành động bất hợp pháp này. Liên minh tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các biên giới được quốc tế công nhận".

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi diễn biến mới nhất là "điềm báo rất gở" và và "dấu hiệu đen tối".

"Rõ ràng đây là một dấu hiệu khác cho thấy tình hình ở Ukraine đang đi sai hướng. Nước Anh sẽ tiếp tục làm mọi điều có thể để đứng về phía người dân Ukraine cùng một gói trừng phạt rất mạnh mẽ".

Ông Boris Johnson nói thêm rằng Anh sẽ tiếp tục củng cố sườn phía đông của NATO. Ngoại trưởng Anh Liz Truss đăng tweet rằng Anh sẽ công bố lệnh trừng phạt mới vào Nga trong ngày 22/2.

Mỹ cấm vận hai vùng ly khai từ Ukraine, EU cam kết có biện pháp bổ sung - Ảnh 3.

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, Nga lại đưa quân vào khu vực miền đông Ukraine do các nhóm ly khai thân Nga kiểm soát vào tháng 2/2022. (Nguồn: Washington Post; Việt hóa: Song Ngọc).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận xét thông báo của ông Putin "tiếp tục làm xói mòn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" và gây hại tới nỗ lực giải quyết xung đột. Ông kêu gọi Moscow ngay lập tức rút lại việc tập hợp đội quân khổng lồ ở biên giới Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có phản ứng tương tự như Nhà Trắng, tuyên bố quyết định của ông Putin "mâu thuẫn trực tiếp với cam kết ngoại giao của Nga".

"Các quốc gia có nghĩa vụ không công nhận một "quốc gia" mới được tạo ra thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như có nghĩa vụ không phá vỡ biên giới của quốc gia khác".

Trước đó, ông Blinken đã đồng ý họp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong tuần này. Quan chức cấp cao chính quyền Biden từ chối trả lời liệu buổi họp có còn được tổ chức theo kế hoạch hay không.

Theo CNBC, ông Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong gần 40 phút. Tổng thống Mỹ lên án quyết định của ông Putin, cập nhật cho ông Zelenskyy về lệnh trừng phạt mới và lặp lại rằng chính quyền của ông sẽ nhanh chóng đáp trả hành động gây hấn trong tương lai của Nga đối với Ukraine.

Sau cuộc gọi, ông Biden nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz để bàn cách phản ứng phối hợp.

Giang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.