|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

MWG vọt lên đỉnh mới, VCB nâng đỡ thị trường

20:46 | 30/06/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động là mã tăng mạnh nhất nhóm bluechip VN30 và đóng góp tích cực trong việc nâng đỡ chỉ số phiên cuối tháng 6.
MWG vọt lên đỉnh mới, trong nhóm 10 cổ phiếu giá cao nhất thị trường - Ảnh 1.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động ở phía tây Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

MWG tăng mạnh nhất VN30, trong top 5 cổ phiếu giá cao nhất HOSE

Kết phiên giao dịch hôm nay 30/6, MWG bật tăng 3,4% lên 152.000 đồng/cp, ghi nhận mức giá đóng cửa cao nhất trong lịch sử cổ phiếu bán lẻ này.

Hiện nay MWG là mã có giá cao thứ 5 trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và cao thứ 11 trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. 

MWG đi lên liên tiếp trong ba phiên gần đây sau khi CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm nay với doanh thu đạt 51.830 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2020 và thực hiện 41% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 2.172 tỷ đồng, tăng 26% và hoàn thành 46% kế hoạch năm.

MWG vọt lên đỉnh mới, VCB nâng đỡ thị trường - Ảnh 2.

Doanh thu của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động tăng 8% và đóng góp 25,8% vào doanh thu toàn công ty, chuỗi Điện máy Xanh tăng 1% và đóng góp 53,4%, chuỗi Bách hóa Xanh đóng góp 20,5% và tăng 36%, chuỗi Bluetronics có 55 cửa hàng, chỉ đóng góp 0,3% doanh thu toàn công ty trong 5 tháng vừa qua.

So với đầu năm 2021, giá cổ phiếu MWG hiện đang cao hơn gần 28%, đánh bại mức tăng 20% của VN-Index.

Thanh khoản khớp lệnh của MWG riêng trong ngày hôm nay là 1,22 triệu đơn vị, cao hơn 78% so với trung bình 10 phiên gần đây và tương ứng với giá trị giao dịch gần 184 tỷ đồng.

Ngoại trừ MWG và THD (Thaiholdings), các cổ phiếu với giá cao khác đều có thanh khoản khá nhỏ giọt, một số mã không có khớp lệnh trong ngày hôm nay như VCF, WCS hay HLB.

Cổ phiếu CMF của Thực phẩm Cholimex có chuỗi 32 phiên liên tiếp từ 14/5 đến 29/6 không có giao dịch. Đến hôm nay 30/6, CMF bất ngờ tăng kịch trần 40% lên 185.600 đồng/cp nhưng khối lượng khớp lệnh cũng chỉ 100 đơn vị. (Theo quy định ở thị trường UPCoM, sau ít nhất 20 phiên không có giao dịch thì cổ phiếu sẽ có biên độ giá là +/- 40% thay vì mức 15% như thông thường).

Nếu không có phiên kịch trần này, giá của CMF sẽ chỉ là 132.600 đồng/cp và chưa đủ để lọt vào top 10 cổ phiếu có giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

VCB nâng đỡ chỉ số

Trong phiên cuối tháng 6, chỉ số VN-Index và VN30-Index duy trì sắc xanh suốt buổi sáng và nửa đầu buổi chiều nhưng rồi đóng cửa trong sắc đỏ, mất lần lượt 1,49 điểm và 0,97 điểm.

Tuy MWG tăng mạnh nhất VN30 nhưng do vốn hóa tương đối khiêm tốn nên tác động tới chỉ số không quá lớn. Cái tên nâng đỡ VN-Index đắc lực nhất trong phiên hôm nay là VCB của Vietcombank. 

Kết phiên, VCB tăng 2,1% lên 116.400 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 431.700 tỷ đồng (hay 18,8 tỷ USD). Hiện nay VCB chính là cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất HOSE, chiếm 8,28% quy mô toàn sàn. Vốn hóa khổng lồ này đã giúp VCB có ảnh hưởng mạnh mẽ lên VN-Index.

Theo thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đà tăng của VCB đã giúp VN-Index có thêm 2,4 điểm trong phiên hôm nay. Tác động lớn thứ 2 là MSN của Masan, giúp chỉ số tăng 0,93 điểm. VIC của Vingroup và MWG của Thế Giới Di Động lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4.

MWG vọt lên đỉnh mới, VCB nâng đỡ thị trường - Ảnh 3.

Ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên 30/6 là hai cổ phiếu ngân hàng: CTG của VietinBank và TCB của Techcombank. Ngoài ra còn có GVR, VHM, PLX, ACB, HPG, ... 

Đức Quyền

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).