Muốn vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, Trung Quốc còn đối mặt thách thức gì?
Quá khứ huy hoàng, tương lai khó đoán
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu đi lên vào cuối những năm 1970 thông qua chính sách mở cửa thị trường nội địa.
Sau đó, Trung Quốc tiếp tục phát triển nhờ kế hoạch hóa tập trung, tích cực tận dụng lợi thế của lực lượng lao động giá rẻ, phá giá đồng tiền và hệ thống nhà máy hoạt động mạnh mẽ để phân phối sản phẩm ra toàn thế giới.
Tất cả điều đó đã thay đổi Trung Quốc từ vùng nông thôn rệu rã thành một cường quốc thịnh vượng. Hiện tại, Trung Quốc dường như đang trên đà trở thành nền kinh tế số một thế giới.
Theo CNBC, Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ hai thế giới, với tổng GDP là 13,1 nghìn tỉ USD, tuy vẫn sau Mỹ nhưng đang thu hẹp dần khoảng cách. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP vượt ngưỡng 6% trong năm 2020 sẽ giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi qui mô nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2020.
Mặt khác, Trung Quốc dường như là quốc gia đang phải gánh chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất từ cuộc thương chiến với Mỹ, đồng thời phải đối mặt với vô số thách thức khác để theo kịp tốc độ tăng trưởng nóng.
Tương lai đang chờ phía sau, tuy nhiên mọi thứ có vẻ khá phức tạp.
"Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một cường quốc có tính cạnh tranh cao", ông Michael Yoshikami, nhà sáng lập quĩ Destination Wealth Management, nhận định.
"Trung Quốc sẽ vẫn là một tay chơi toàn cầu. Tuy nhiên, bạn sẽ phải kiểm soát kì vọng của bản thân về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế châu Á này", ông nói thêm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến hầu hết các quốc gia khác phải ngưỡng mộ nhưng gần đây đã chậm lại đáng kể. Theo số liệu của World Bank, tăng trưởng tại Trung Quốc đạt đỉnh 14,2% vào năm 2007 sau đó giảm xuống dưới ngưỡng 7% kể từ năm 2015.
Thuế quan khiến Trung Quốc thực sự cần một thỏa thuận
Công ty của ông Yoshikami đặt trụ sở tại San Francisco, tuy nhiên ông đầu tư đáng kể vào Trung Quốc và thường xuyên đến nước này.
Ông nhận thấy Trung Quốc đang dẫn đầu về giáo dục và đổi mới công nghệ, tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn phải chịu sức ép từ thuế quan mà Washington áp lên hàng hóa nước họ, bên cạnh chi phí nhân công tăng và hoạt động sản xuất chững lại.
"Nền kinh tế Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 7%. Trước đây, nó từng tăng trưởng ở mức 14%. Nếu tăng trưởng chỉ đạt 6% thì con số này vẫn rất đáng kể, tuy nhiên bạn sẽ nhận thấy nhiều tâm lí tiêu cực", ông Yoshikami nói.
"Nếu trò chuyện với người dân Trung Quốc, một người lao động bình thường hiện nay không còn lạc quan như hai, 4 hay 6 năm về trước", ông chia sẻ thêm.
Một ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc chính là chiến tranh thương mại.
Mặc dù hai nước đã nhất trí đi đến thỏa thuận giai đoạn một về thuế quan, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết và ảnh hưởng của thương chiến đang được cảm nhận xuyên suốt nền kinh tế Trung Quốc.
"Một người bình thường tin rằng thuế quan thương mại đang gây hại cho Trung Quốc", CNBC dẫn lời ông Yoshikami cho hay.
"Lạm phát đi lên. Chi phí nhu yếu phẩm cơ bản tăng từ 10% đến 15%. Giá thịt heo cũng tăng hơn 100%. Thế nên người dân thay đổi thực đơn ăn uống chỉ đơn giản bởi vì họ không thể mua nổi thịt heo nữa", ông nói thêm.
"Thuế quan thương mại đang gây tổn hại lớn cho người dân Trung Quốc. Mỹ chắc chắn sẽ chào đón thỏa thuận. Còn Trung Quốc thực sự cần một thỏa thuận", ông Yoshikami khẳng định.
Kinh tế đi xuống, cơ hội nào để Trung Quốc giành vị trí số một thế giới?
Thiệt hại mà chiến tranh thương mại gây ra đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể thấy rõ và tính toán được.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng thu ngân sách của Trung Quốc đạt 3,8%, giảm mạnh so với 6,2% cùng kì 2018. Một nguyên nhân là nguồn thu từ thuế năm nay tăng không đáng kể trong khi cùng kì năm ngoái tăng tới 8,3%
Ngoài ra, do hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đi xuống, tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 0,3% trong tháng 11 sau khi tăng 9,9% vào cùng kì năm ngoái.
Nomura ước tính xuất khẩu chững lại đã lấy đi 1,3 điểm % từ GDP của Trung Quốc trong năm nay.
Một trong các trở ngại mà Nomura nhận thấy Trung Quốc có thể gặp phải chính là lĩnh vực bất động sản giảm tốc, không có nhiều dư địa để kích thích (đặc biệt là thông qua gói nới lỏng tín dụng từng thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2017) và các vấn đề về đòn bẩy còn tiếp diễn.
"Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi, Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng", nhà kinh tế Ting Lu cùng đồng nghiệp tại Nomura cho hay.
"Tuy nhiên, do khối nợ phình to (kể cả nợ nước ngoài), tỉ lệ sinh lời thấp, thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ và dự trữ ngoại hối giảm, chúng tôi khuyến nghị thận trọng về tốc độ, phạm vi và hiệu quả của các biện pháp kích mà Bắc Kinh thực hiện".
Điểm sáng hiếm hoi
Mặc dù vậy, Phố Wall nhận định các vấn đề trong năm 2020 có thể là một bước ngoặt.
Trong tương lai, có rất nhiều lí do để kì vọng rằng trên con đường đến vị trí số một thế giới, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thuận lợi thông qua khuếch đại những gì từng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong thập kỉ qua.
Sự bắt đầu xuất hiện của nhiều "siêu thành phố" là một trong những lí do để lạc quan về tương lai tăng trưởng của Trung Quốc.
Khi quá trình chuyển đổi diễn ra, khoảng 23 trong số các siêu thành phố này sẽ có dân số lớn hơn New York và 5 siêu thành phố khác sẽ có tổng cộng 120 triệu dân, theo dự đoán của Morgan Stanley.
Bằng cách đưa công nhân từ các vùng nông thôn vào các khu trung tâm đông đúc, các siêu thành phố nhắm mục tiêu chặn đứng lực cản mà dân số già đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.
"Chúng tôi tin rằng đáp án để giải quyết các thách thức chính là một giai đoạn đô thị hóa mới với tiềm năng tăng năng suất lao động thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và công nhân tự do di chuyển hơn, đồng thời tạo ra giá trị cộng hưởng giữa các ngành công nghiệp khác nhau", các nhà kinh tế của Morgan Stanley viết trong báo cáo.
Tuy nhiên, đối với ông Yoshikami, bức tranh đầu tư ở Trung Quốc còn chưa sáng rõ hoàn toàn vì một số vấn đề tức thời chưa được giải quyết.
"Đầu tư vào Trung Quốc là một trò chơi may rủi, bởi vì Trung Quốc đang ở ranh giới giữa một thị trường mới nổi và thị trường phát triển. Tôi không chắc mức định giá hiện tại có đáng để đầu tư hay không", ông Yoshikami nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/