|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức độ mở cửa thị trường của EVFTA cao nhất từ trước đến nay

07:54 | 30/06/2019
Chia sẻ
Chiều 30/6, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được ký kết tại Hà Nội sau gần 9 năm khởi động đàm phán. Trước thời điểm có ý nghĩa này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với báo chí về những thời cơ và thách thức đối với Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể điểm lại một số dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)?

Tháng 10/2010, EVFTA được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán và đến tháng 6/2012 thì hai bên chính thức khởi động đàm phán.

Mức độ mở cửa thị trường của EVFTA cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị "Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do". Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN.

Trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức với rất nhiều nỗ lực, vào tháng 12/2015, hai bên đã kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, EU đã đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (IPA). Hiệp định IPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng như kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Xin Bộ trưởng đánh giá về những ý nghĩa nổi bật của việc EVFTA được ký kết?

Với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Mức độ mở cửa thị trường của EVFTA cao nhất từ trước đến nay - Ảnh 2.

Đóng gói cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư & Phát triển Đa Quốc Gia IDI (Lấp Vò, Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Hoàng Dương