Mưa nhiều làm chậm tiến độ vào vụ ép 2022-2023 của ngành đường
Báo cáo sản xuất mía đường tháng 11 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết ngành đường Việt Nam đã khởi động vụ ép 2022-2023 với 4/24 nhà máy đã tiếp nhận mía để chế biến.
Tuy nhiên, thời tiết mưa nhiều tại miền Bắc và miền Trung trong tháng 11 đã khiến việc vận chuyển mía gặp khó khăn và làm chậm tiến độ vào vụ ép nên sản lượng chưa đáng kể và chưa được ghi nhận trong tháng. Dự kiến trong tháng 12 hầu hết các nhà máy có thể vào vụ ép 2022-2023.
Theo VSSA, các nguồn cung đường phong phú, đặc biệt hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục hoạt động mạnh trong tháng 11/2022. Ngoài đường nhập lậu còn có đường nhập khẩu từ Indonesia, Myanmar, Lào, Australia (đường trong hạn ngạch nhập khẩu) và các loại đường nguồn gốc nhập khẩu đã hoàn toàn làm chủ thị trường và kéo giá đường trong tháng xuống thấp hơn tháng 10/2022.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập lậu (giá có VAT, đồng/kg) dao động ở mức như sau.
Như vậy trong tháng 11/2022 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA, giá đường của Việt Nam đã ở mức thấp hơn hẳn so với các đồng nghiệp (đặc biệt chỉ khoảng 50% so với giá đường tại Philippine).
"Tại Philippine, mặc dù cho phép nhập khẩu 150.000 tấn đường nhằm làm dịu cơn sốt đường, nhưng cơ quan quản lý đường Philippine SRA chỉ cho phép đường nhập khẩu trước ngày 15/11 để không ảnh hưởng đến sản xuất đường từ mía của vụ ép 2022-2023", VSSA cho hay.