Mua bán nhà ở - xu hướng 'hot' giữa mùa dịch COVID-19
Đáng chú ý, báo cáo hồi tháng 9/2020 về chỉ số lòng tin xây dựng từ Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ cho thấy, các nhà thầu chưa bao giờ cảm thấy tốt hơn về thị trường nhà ở như lúc này.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, cuộc suy thoái kinh tế hiện tại có dấu hiệu manh nha từ tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát đẩy thế giới vào thực trạng chưa có tiền lệ: tình trạng mất việc làm hàng loạt vào tháng Ba và tháng Tư, các gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có, thị trường chứng khoán tăng mạnh và xu hướng tuyển dụng trở lại gia tăng trong suốt mùa Hè. Song không có xu hướng nào gây ngạc nhiên hơn sự bùng nổ của thị trường nhà ở Mỹ.
Doanh số bán nhà mới, nhà đang xây và đã qua sử dụng tại Mỹ đều tăng mạnh trong suốt mùa Hè năm nay. Số đơn vay thế chấp để mua nhà cũng tăng vọt. Đáng chú ý, báo cáo hồi tháng 9/2020 về chỉ số lòng tin xây dựng từ Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia Mỹ cho thấy, các nhà thầu chưa bao giờ cảm thấy tốt hơn về thị trường nhà ở như lúc này.
Không phải trong giai đoạn phát triển những năm 1990, bong bóng nhà ở những năm 2000, hay đà tăng trưởng kinh tế thần tốc những năm 2010, một đại dịch toàn cầu lại tạo ra sự bùng nổ bất ngờ của thị trường nhà ở.
Chỉ số lòng tin của những nhà xây dựng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 10/2020, với doanh số bán các căn nhà đã qua sử dụng tăng lên mức cao nhất trong hơn 14 năm vào tháng Chín. Điều này khiến các nhà xây dựng nhà ngày càng lạc quan về triển vọng của thị trường này.
Nhà kinh tế trưởng Robert Dietz của Hiệp hội các công ty xây nhà ở Mỹ (NAHB) cho biết, mức lãi suất cho vay thế chấp thấp kỷ lục và nhu cầu về không gian ở rộng rãi hơn, tránh khỏi các khu dân cư có mật độ dân số cao, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài đã dấy lên xu hướng xây nhà ở tại khu vực ngoại ô.
Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động ngày càng thích nghi tốt hơn với trạng thái làm việc từ xa. Những người vẫn giữ được việc làm trong thời kỳ đại dịch và có thu nhập cao hơn lại có nhu cầu thiết lập văn phòng tại nhà hoặc tìm kiếm một cơ sở làm việc mới. Điều này cũng góp phần khiến nhu cầu bất động sản tăng cao.
Để đối phó với sự bất ổn của thị trường tài chính do lo ngại về suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất xuống 0% và đã cam kết giữ chính sách lãi suất phù hợp trong nhiều năm tới.
Lãi suất thấp giúp cả những người vay và cho vay thế chấp được hưởng lợi, qua đó tạo động lực đi lên cho thị trường nhà đất. Bởi vậy, một số người đã nhận ra rằng đây là cơ hội hiếm có trên thị trường nhà ở. Thay vì mua một nơi ở mới cho cá nhân, họ đang tìm mua nhà để cho thuê.
Các nhà phân tích của Evercore ISI do chuyên gia Stephen Kim đứng đầu đã gọi đây là “thời kỳ hoàng kim” đối với thị trường nhà ở của Mỹ.
Ông Kim nhận định, khởi nguồn của sự gia tăng bất ngờ nhu cầu nhà ở này là số hộ gia đình thế hệ trẻ (millennials) tăng mạnh, xu hướng lui về nhà giữa mùa dịch bệnh và nhu cầu nâng cấp nhà ở tăng cao, cùng với đó các chính sách ưu đãi mua nhà hấp dẫn với tỷ lệ cho vay thế chấp thấp kỷ lục.
Điều này có thấy, dường như một cuộc suy thoái và cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã giúp thiết lập lại triển vọng về thị trường nhà ở tại Mỹ.
Ông Robert Dietz dự báo, thị trường nhà ở sẽ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, được hỗ trợ bởi sự quan tâm của người mua nhà ở các vùng ngoại ô và các thị trấn nhỏ.
Tuy nhiên, khả năng chi trả vẫn là một mối quan tâm lớn, vì chi phí xây dựng tiếp tục tăng và lãi suất dự kiến sẽ tăng cao hơn khi xuất hiện các tín hiệu tích cực về việc sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19. Trong ngắn hạn, xu hướng mua nhà tại các khu vực có mật độ dân cư thấp với lượng nhà bán lại tồn kho thấp sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu xây nhà.