|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một tập đoàn Anh mua lại Coca-Cola Việt Nam

16:43 | 03/01/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch, Tập đoàn Swire Pacific dự kiến trả 1 tỷ USD để sở hữu các hoạt động sản xuất của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Hồi tháng 11/2022, tập đoàn đến từ xứ sở sương mù đã hoàn tất mua lại Coca-Cola Campuchia.

 Nhà máy sản xuất Coca-Cola tại TP HCM. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Ngày 2/1, Công ty Swire Coca-Cola Limited, công ty thành viên thuộc tập đoàn Swire Pacific Ltd, đối tác nhượng quyền hàng đầu của Coca-Cola, công bố hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.

Đây là thương vụ thứ hai của tập đoàn Swire Pacific vào khu vực Đông Nam Á. Trước đó vào tháng 11/2022, đơn vị này đã mua lại Công ty TNHH Nước giải khát Campuchia.

Hãng tin Bloomberg trước đó đưa tin, Swire dự kiến trả 1 tỷ USD tiền mặt để sở hữu các hoạt động sản xuất của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Thoả thuận này sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của họ sang một trong những thị trường đồ uống đang phát triển nhanh trên thế giới.

Với việc mua lại Coca-Cola Việt Nam, Swire sẽ sở hữu và vận hành ba cơ sở sản xuất nước giải khát, 18 dây chuyền sản xuất, 6 trung tâm phân phối khắp Việt Nam và sử dụng lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp hơn 3.500 người.

Tập đoàn 206 năm tuổi Swire là một trong hai tập đoàn thương mại của Anh có trụ sở ở Hong Kong. Công ty đã chuyển hướng đầu tư vào hai mảng kinh doanh cốt lõi là đồ uống và bất động sản.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đầu tư vào lĩnh vực mới nổi như chăm sóc sức khỏe và nắm phần lớn cổ phần của hãng hàng không Cathay Pacific Airways.

Swire và Coca-Cola vốn có mối quan hệ lâu dài. Tập đoàn từng mua lại dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất nước giải khát ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2016. Chi nhánh của Swire điều hành một trong những nhà máy Coca-Cola lớn nhất thế giới tại Trung Quốc và hiện phục vụ khoảng 675 triệu khách hàng ở quốc gia tỷ dân.

Coca-Cola kinh doanh ra sao trước khi về tay chủ mới?

Về Coca - Cola, đây là một trong những đế chế sản xuất đồ uống, nước giải khát lớn mạnh và lâu đời nhất trên thế giới. Hãng sản xuất này cũng có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1994. Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam có vai trò điều hành hoạt động, sản xuất và phân phối các sản phẩm của Coca - Cola tại thị trường Việt Nam.

Công ty có trụ sở tại số 485, đường Xa Lộ Hà Nội, phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Hiện tại, người giữ vị trí Giám đốc Coca-Cola Việt Nam là ông Peeyush Sharma.

Theo giới thiệu trên trang chủ công ty, hiện Coca-Cola Việt Nam có 12 thương hiệu và 8 loại đồ uống chính tại Việt Nam, bao gồm nước ngọt có ga, sữa, nước cam có tép, nước cam, nước vận động, nước tinh khiết, nước bổ sung khoáng và trà.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, Coca-Cola đã đóng góp 3.500 tỷ đồng vào GDP hàng năm của Việt Nam thông qua các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Công ty cũng đã hỗ trợ 80.076 việc làm từ các hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp cũng như chuỗi cung ứng.

Theo số liệu mà chúng tôi có được, những năm gần đây ghi nhận doanh thu của Coca-Cola tăng trưởng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm. Song, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận mức lợi nhuận không đáng kể. 

Doanh thu của công ty tăng đều qua các năm từ 6.872 tỷ đồng năm 2016 đến 9.297 tỷ đồng năm 2019, tuy nhiên vẫn thấp hơn rất nhiều so với đối thủvới dải sản phẩm tương đồng là Suntory PepsiCo. Năm 2019, Suntory PepsiCo ghi nhận doanh thu 18.302 tỷ đồng, cao gấp đôi so với Coca.

Đáng chú ý, lợi nhuận theo báo cáo của đơn vị này thậm chí còn giảm hơn một nửa xuống còn 227 tỷ đồng vào năm 2017, bất chấp việc doanh thu vẫn tăng đều. Đến giai đoạn 2018 - 2019, doanh nghiệp báo lãi lần lượt là 549 tỷ đồng và 812 tỷ đồng. Song biên lợi nhuận/doanh thu (ROS) ghi nhận trong năm 2019 cũng chỉ đạt 7,3%, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp cùng ngành.

 Các chỉ số hoạt động của Coca-Cola Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019. (Đồ họa: Thiên Trường). 

 Lợi nhuận của các thương hiệu đồ uống tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019. (Đồ họa: Thiên trường). 

Tính đến ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty này vẫn đang thấp hơn 1.000 tỷ đồng so với vốn góp, tức vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, Coca-Cola có 9.697 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 423 tỷ đồng lên 2.558 tỷ đồng trong năm 2019 và chủ yếu là vay nợ ngắn hạn.

Về công ty mẹ Coca-Cola Việt Nam, nhà sản xuất nước giải khát hàng đầu thế giới Coca-Cola, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu thuần năm 2021 đạt khoảng 38,7 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) cũng tăng 26% lên 2,25 USD. Lãi ròng của công ty cũng đạt hơn 9,7 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2020.

Trước đó, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gã khổng lồ trong ngành đồ uống đã chứng kiến doanh thu và lãi ròng giảm xuống so với một năm trước đó. Cụ thể, tổng doanh thu và lãi ròng năm 2020 của Coca-Cola đạt hơn 33 tỷ USD và hơn 7,7 tỷ USD, giảm lần lượt hơn 10% và hơn 13% so với năm trước.

Minh Hằng