|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Một số vấn đề tiếp cận thị trường Mỹ

12:25 | 18/12/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên tìm hiểu và nhận thức được những trở ngại đối với thương mại được thể hiện bởi các hàng rào phi thuế quan, vấn đề an ninh và chính sách "mua hàng của Mỹ".

Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston, rào cản thương mại tại Mỹ thường được phân loại là rào cản "thuế quan" hoặc "phi thuế quan".

Một số vấn đề tiếp cận thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Đồ họa: TV

Thuế quan là thuế áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu và là yếu tố định lượng nên doanh nghiệp có thể dễ dàng tính toán về khả năng cạnh tranh về giá cả, từ đó có thể suy đoán khả năng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp mình.

Mức thuế có thể được đánh dựa trên cơ sở phần trăm giá trị hàng nhập khẩu hoặc trên cơ sở cụ thể (nghĩa là mức thuế cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm nhập khẩu).

Việt Nam và Mỹ là thành viên WTO nên nói chung các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chịu mức thuế tối huệ quốc (MFN.)

Doanh nghiệp có thể tra cứu biểu thuế nhập khẩu link sau: https://dataweb.usitc.gov/tariff

Hàng rào phi thuế quan (Non Tarriff Barriers - NTBs) thường khó đoán định và các doanh nghiệp cần tìm hiểu cẩn thận hơn.

Rào cản phi thuế quan là các biện pháp hoặc chính sách của chính phủ ngoài thuế quan, nhằm hạn chế và tạo ra các rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu.

Khi thuế quan được hạ thấp hoặc loại bỏ, chẳng hạn, bằng một hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA), thì các biện pháp phi thuế quan có thể được sử dụng để hạn chế dòng hàng nhập khẩu.

Một số biện pháp phi thuế quan có thể được áp dụng như hạn ngạch nhập khẩu, các hoạt động mua sắm chính phủ phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu, và các biện pháp phân biệt đối xử để bảo vệ sở hữu trí tuệ, các điều kiện về nuôi trồng, vệ sinh môi trường...

Một loại rào cản phi thuế quan nữa là các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Technical Bariers to Trade - TBT), chẳng hạn như các yêu cầu của chính phủ đối với việc lặp lại các kiểm định hàng hóa và chứng nhận không cần thiết đối với một sản phẩm nhập khẩu.

Mặc dù có các vấn đề để tiếp cận thị trường của Mỹ liên quan đến chính sách phi thuế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường lớn nhất thế giới này vẫn không ngừng tăng lên. Mỹ liên tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm hiểu càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ rào cản nào sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp mình (đặc biệt những yêu cầu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người và động vật nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy hải sản hay thực phẩm).

Nếu tồn tại bất kỳ rào cản nào, doanh nghiệp nên tính toán mức độ có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vào Mỹ, đến giá cả và chi phí kinh doanh tại Mỹ.

Mặt khác, chính sách "Mua hàng Mỹ" - (Buy American policies) có thể gây ra vấn đề tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu.

Ví dụ, một trong những thị trường lớn ở Mỹ là thị trường mua sắm khu vực công. Phạm vi bao trùm từ cơ quan chính phủ như Bộ Quốc phòng (DoD) đến các cơ quan dùng ngân sách nhà nước khác của Mỹ. Các tổ chức này được yêu cầu "mua hàng Mỹ" trừ khi không thể.

Tuy nhiên các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thường là hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, đồ dân dụng nên thường không nằm trong mục mua sắm công. 

Ánh Dương