|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một người Quảng Trị dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào Nhật Bản

11:49 | 09/02/2021
Chia sẻ
Bệnh nhân là T.Q.C, sinh năm 1999, trú tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 6/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị nhận được thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về một trường hợp là công dân Quảng Trị nhập cảnh vào Nhật Bản ngày 19/1 và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 2/2.

Bệnh nhân là anh T.Q.C, sinh năm 1999, trú tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Anh C xuất cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 18/1, trong quá trình xuất cảnh và nhập cảnh vào Nhật Bản, đã thực hiện 3 lần xét nghiệm ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và đều có kết quả âm tính (từ ngày 18-19/1). 

Đặc biệt, cả 13 trường hợp công dân Việt Nam (trong đó có anh T.Q.C) dương tính với SARS-CoV-2 được phía Nhật Bản công bố ngày 2/2, tức là 13 ngày sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản đều tiếp xúc với một thầy giáo người Nhật Bản và người này được công bố dương tính với SARS-CoV-2 trước thời điểm ngày 2/2.

Nguyên nhân lây nhiễm COVID-19 của bệnh nhân T.Q.C có thể do trong thời gian cách ly tập trung tại Nhật Bản, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Trị và Trung ương.

Tuy nhiên, nhằm duy trì nhiệm vụ kép là chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Sở Y tế Quảng Trị và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, có 8 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã trải qua thời gian từ 19-20 ngày, trong đó 7/8 người tiếp xúc gần đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính và chưa có biểu hiện lâm sàng; 1 trường hợp là bố vợ đi làm ăn xa hiện chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tổ chức điều tra dịch tễ và lập danh sách người tiếp xúc gần để sẵn sàng các phương án khi có tình huống xảy ra. 

Chuẩn bị phương án mở rộng đối tượng xét nghiệm phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần và các trường hợp có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ để giám sát và đánh giá nguy cơ.

Tổ chức quản lý, cách ly tại nhà và giám sát y tế chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm chính thức, đồng thời, thông tin với người dân hợp tác với cơ quan y tế trong công tác điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Như Ngọc (tổng hợp)