|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một năm kinh tế nhiều kỷ lục

09:55 | 30/12/2018
Chia sẻ
6 tháng trước, WB chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 ở mức 6,3%, nhưng theo Giám đốc WB Việt Nam, "tình hình đã thay đổi nhanh chóng ở nửa cuối năm". 
mot nam kinh te nhieu ky luc
"Chính phủ không bao giờ ngủ quên trên vòng nguyệt quế và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Ấn tượng" là cụm từ được Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – ông Ousmane Dione nhấn mạnh khi nhắc tới mốc tăng trưởng 7,08% năm nay của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế không mấy thuận lợi, trong nước trần nợ công, đầu tư trung hạn... làm hạn chế việc thực hiện nhiều dự án lớn và giải ngân các dự án đầu tư công chậm chạp.

mot nam kinh te nhieu ky luc

Con số tăng trưởng cao nhất trong thập niên qua mà Việt Nam vừa đạt được, theo ông Ousmane đến từ chính sự "lắng nghe, chịu thay đổi của Chính phủ, bộ máy chính quyền".

GDP Việt Nam năm 2018 được tổng kết tăng 7,08% - mức cao nhất từ năm 2008 trong khi chỉ số tăng CPI được kiềm ở dưới 4%. Tăng trưởng cao là một chuyện. Chuyện khác, theo ông Ousmane là chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố minh chứng điều này. Năm 2018 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Trong khi đó, năng suất lao động của nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng một lao động (tương đương 4.512 USD, tăng 346 USD so với năm 2017). Tính theo tỷ trọng, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93%, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016.

mot nam kinh te nhieu ky luc

Nắm bắt cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

"Chúng tôi tăng trưởng xuất khẩu khoảng 35% trong năm 2018", ông Nguyễn Sỹ Hoè – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Tài nói với VnExpress khi đề cập tới kết quả kinh doanh năm 2018 - năm mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung phủ bóng lên kinh tế toàn cầu. Phú Tài chính là nhà sản xuất đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời cho các cửa hàng Wal-Mart ở Mỹ. Ông Hoè tiết lộ, khoảng 40% doanh thu của công ty đến từ Mỹ và doanh nghiệp đang không ngừng mở rộng thị trường đầy tiềm năng này.

Trong khi nhiều nhà sản xuất khác khá lo lắng trước tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Phú Tài lại xem đây là cơ hội lớn để tăng xuất khẩu sang Mỹ.

"Với cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang mua hàng từ Việt Nam. Chúng tôi nhận được thêm nhiều đơn hàng từ thị trường này", ông Hòe nói thêm.

Sự tăng tốc về doanh thu, lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất như Phú Tài đã góp phần vào điểm số ấn tượng của chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018, tăng 10,2%, cao hơn so với chỉ tiêu 9%. Đây cũng được coi là một trong số điểm sáng đóng góp vào kỳ tích của nền kinh tế năm nay. Trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau khi có dấu hiệu "hụt hơi" trong tháng 11 đã bật tăng trở lại, với 12,3% và đóng vai trò chủ chốt, góp 2,55 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Khởi sắc của các ngành kinh tế cũng đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%). Năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Ẩn số doanh nghiệp tư nhân

mot nam kinh te nhieu ky luc

Tổng kết lại thực lực của nền kinh tế nhìn từ phía doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng có thực trạng rất lạ, là đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chưa tới 8%, trong khi hộ gia đình là 32%, doanh nghiệp Nhà nước 27-28%, và khu vực nước ngoài khoảng 20%.

"Nền kinh tế bình thường, nếu yếu thì khu vực tư nhân cũng đóng góp đến 60-70%, nếu mạnh thì đến 80-90%, còn của Việt Nam 30 năm phát triển kinh tế thị trường rực rỡ mà chỉ có 8%", ông Thiên đánh giá.

Theo vị chuyên gia đang là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, vấn đề then chốt cho các doanh nghiệp trẻ là một chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Và mối quan tâm của giới kinh doanh lúc này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra, là môi trường kinh doanh có đủ không gian cho các kế hoạch phát triển của họ, để họ lớn lên hay không.

Thực tế, những cải thiện môi trường kinh doanh được nhìn thấy phần lớn ở điều kiện gia nhập thị trường. Trong khi đó, hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

"Cải cách đã lên đường ray, giờ là lúc đưa toa tàu chạy và chạy nhanh hơn" - Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Trong một báo cáo mang tính tổng kết về cải thiện môi trường kinh doanh công bố cách đây chưa lâu, những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển đã được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra. Đó là bất cập về đất đai, quyền tài sản, xử lý thế chấp, thủ tục phá sản... Tư duy trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa thống nhất, không đồng đều giữa nhiều bộ, ngành địa phương, rồi tình trạng tham nhũng vặt... khiến tỷ lệ cắt giảm chỉ tập trung vào một số ngành.

Ngoài số bộ được đánh giá là tích cực trong cắt giảm thủ tục kinh doanh, vẫn còn một số chưa có nhiều thay đổi. "Tôi biết có Bộ làm kiểu ép buộc chứ không ở thế chủ động làm để giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Nhiều văn bản ban hành ở địa phương theo kiểu nửa vời, tạo dư địa tuỳ nghi áp dụng. Tâm trạng, cách làm vẫn cũ. Đây là rào cản và chính là điều khiến doanh nghiệp sợ nhất", ông Cung nhận xét sau một năm được đánh giá "cả hệ thống vào cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp".

Thực tế "trên nóng, dưới lạnh" trong cải thiện môi trường kinh doanh đã khiến Việt Nam tụt hạng 1 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới. Nhưng với cách nhìn lạc quan và cũng khá thận trọng, ông Ousmane Dione trấn an "phải coi đây là dịp để Việt Nam nhìn lại các vấn đề. Nên coi đây là một cuộc thi chạy và các nước có nhiều cải cách hơn và đang chạy nhanh hơn Việt Nam".

Một nhóm nghiên cứu của WB cũng đã bay từ Mỹ sang để trình bày về việc Chính phủ các nước đã và đang làm gì trong việc cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. "Vấn đề ai thực hiện nhiều thay đổi, đi nhanh hơn thì sẽ ghi được điểm. Đến nay, Chính phủ đã có lắng nghe và có thay đổi", ông Ousmane nhận xét thêm.

Viện trưởng CIEM nhấn mạnh điều doanh nghiệp cần là tự do, an toàn để kinh doanh chứ không đơn giản chỉ là thuận lợi. "Nếu vế này không xử lý được, khó có dư địa cho doanh nghiệp lớn lên, khó có một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh dù các doanh nghiệp tư nhân thời gian qua đã phát triển rất mạnh. Đây là điều tôi trăn trở sau nhiều năm theo dõi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam", ông Nguyễn Đình Cung nói với VnExpress và thúc giục, "cải cách đã lên đường ray, giờ là lúc đưa toa tàu chạy, và chạy nhanh hơn".

Trở lại với doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất Phú Tài, khoảng 7 triệu USD đã được Công ty Phú Tài rót vào đầu tư nâng cấp thiết bị sản xuất và ước tính một khoản tiền tương đương cũng sẽ được doanh nghiệp này dành đầu tư mở rộng tiếp một nhà máy sản xuất tại Bình Định trong năm sau. Ngoài thị trường rộng mở, thì chính niềm tin vào cải cách môi trường kinh doanh, thể chế là "động lực" để ông chủ doanh nghiệp này mạnh tay rút hầu bao.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà máy. Cơ hội đang mở ra khá nhiều trong năm tới", Phó tổng giám đốc Công ty Phú Tài tự tin.

Động lực nào cho kịch bản bứt phá năm 2019?

mot nam kinh te nhieu ky luc

Suốt một thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ ở mức 5-6%. Sự bứt tốc chỉ bắt đầu trở lại vào năm 2018 và đang kỳ vọng được tiếp tục ở năm 2019 và các năm tiếp theo.

Vượt qua mốc tăng trưởng cao nhất trong thập niên qua, nhiều câu hỏi đặt ra, năm 2019 với kinh tế Việt Nam sẽ là "đỉnh cao hay vực sâu"? Có nhiều ý kiến cho rằng khi đã vượt qua đỉnh thì việc thiết lập một đỉnh mới sẽ không hề dễ dàng trong bối cảnh "mẫu số" năm 2018 đã khá lớn, quy mô nền kinh tế ngày càng tăng và thế giới đang có nhiều biến động khó lường.

Tuy vậy, một kịch bản kinh tế được đánh giá "thận trọng", "biết mình biết ta" đã được cơ quan ngành kế hoạch hoạch định, và nêu trong Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Theo đó, mục tiêu GDP năm 2019 ở mức 6,8%, lạm phát tiếp tục kìm giữ dưới 4%... Để đạt mục tiêu này, GDP quý I sẽ là 6,93%; quý II là 6,7%; 6 tháng là 6,8%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý III được dự kiến ở mức 7,03%; 9 tháng là 6,89%; quý IV là 6,63% và cả năm sẽ là 6,8%.

Để đạt mức tăng trưởng 6,8% này, theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt tốc độ tăng trưởng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 8,57%; còn khu vực dịch vụ là 6,83%.

Kịch bản là vậy, mục tiêu là vậy nhưng động lực nào sẽ giúp Việt Nam bứt phá tiếp theo? Khi trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đáp ngắn gọn với VnExpress, "vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh".

Trong khi đó "lựa chọn mô hình phát triển phù hợp trong hoàn cảnh mới" lại được nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói khi đề cập tới thách thức, giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoàn cảnh mới được ông Khoan nhắc đến chính là những cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới đang diễn ra phức tạp, mà để ứng phó, Việt Nam phải vừa gia tăng nội lực, vừa giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế toàn cầu.

"Mỗi lần các cuộc cách mạng công nghiệp đi qua đều hình thành các phương hướng và mô hình phát triển mới. Chắc chắn, Việt Nam phải có hướng tiếp cận", nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói và cho rằng, Việt Nam phải chuyển sang mô hình phát triển mới dựa vào khoa học - công nghệ.

Và chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận điều này khi nhắc tới những trọng tâm, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế sẽ dựa trên phương châm 12 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. "Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc "3 trong 1" hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới", ông nhấn mạnh.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số.

"Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bài: Anh Minh Đồ hoạ: Tạ Lư

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.