Một năm đáng quên của Facebook
Tháng 9, người đứng đầu bộ phận an toàn toàn cầu của công ty Facebook (nay đã đổi tên thành Meta), Antigone Davis, đã cố gắng dập tắt những lo ngại rằng ứng dụng Instagram gây hại cho sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, theo Cnet.
Sở dĩ có chuyện này bởi nó bắt nguồn từ câu chuyện về người tố giác Fances Haugen, một cựu nhân viên của công ty trong loạt bài điều tra có tên The Facebook Files, trong đó có chứa những tài liệu bí mật về công ty cũ.
Thượng nghị sĩ Blumenthal, một đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng nghiên cứu này là bằng chứng mạnh mẽ, hấp dẫn và đáng tin cậy cho thấy Facebook biết tác hại của trang web đối với trẻ em, đồng thời tiết lộ thêm rằng công ty đã che giấu khi biết chuyện đó.
Hiện tại Meta có 3,6 tỷ người dùng trên toàn cầu. Công ty cho biết các nghiên cứu của họ bị đánh giá sai, và hiện có khoảng 40.000 người đang làm việc trong bộ phận an toàn và bảo mật, qua đó có khả năng xử lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn một cách nghiêm túc.
Đó chỉ là một trong số những vụ việc tiêu biểu mà Facebook (Meta) đã trải qua trong suốt năm 2021. Rõ ràng, năm vừa qua là một năm sóng gió với công ty được điều hành bởi tỷ phú Mark Zuckerberg.
Dưới đây là một số sự kiện tiêu biểu trong năm 2021 liên quan đến công ty này:
Cuộc bạo động tại Capitol Hill
Cuộc bạo loạn diễn ra ngày 6/1, nơi những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol của Mỹ để phản đối sự chiến thắng của ông Joe Biden, đã đặt các công ty truyền thông xã hội vào một một tình huống khó. Ông Trump đã đưa ra những tuyên bố vô căn cứ trên mạng xã hội rằng cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận.
Sự lo ngại dần leo thang khi cuộc bạo động đã khiến 5 người chết. Sau đó, Facebook, Twitter, Snapchat và YouTube đã thực hiện một động thái chưa từng có khi ông Donald Trump khỏi nền tảng của họ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ vẫn bị cấm dùng Facebook ít nhất cho đến năm 2023. Khi đó, mạng xã hội này cho biết họ sẽ tìm đến các chuyên gia để đánh giá xem liệu rủi ro đối với sự an toàn của cộng đồng có giảm bớt hay không.
Tháng 3, các nhà lập pháp Mỹ đã thúc ép CEO Facebook Mark Zuckerberg, cựu CEO Twitter Jack Dorsey và CEO Google Sundar Pichai về các vai trò mà nền tảng của họ đã thực hiện trong các cuộc bạo động tại Capitol Hill hồi đầu năm.
Lệnh cấm đối với ông Donald Trump đã làm dấy lên những cáo buộc rằng Facebook cùng các mạng xã hội khác kiểm duyệt lỏng lẻo với các bài viết mang tính kích động, điều mà các công ty này tiếp tục phủ nhận. Tháng 10, ông Trump cho biết ông sẵn sàng tung ra một mạng xã hội mới có tên là Truth Social để chống lại Big Tech.
Facebook bị cáo buộc 'giết người'
Căng thẳng giữa Facebook và ông Joe Biden bùng lên vào tháng 7 khi tổng thống cáo buộc các nền tảng công nghệ "giết người" bằng cách cho phép thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19 lan truyền rộng rãi.
Facebook đã bác bỏ cáo buộc của ông Biden, lưu ý rằng công ty đã hướng dẫn hơn 2 tỷ người dùng toàn cầu đến những thông tin đáng tin cậy về COVID-19 và vắc xin. Theo thống kê của công ty, hơn 3,3 triệu người Mỹ đã sử dụng công cụ tìm vắc xin của Facebook vào thời điểm đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã kiểm tra lại và khẳng định rằng những thông tin sai lệch đó là công cụ "giết người", không phải Facebook. "Bằng một cách nào đó, mọi người cho rằng tôi nói Facebook giết người, rằng họ sẽ làm điều gì đó về những thông tin sai lệch và vắc xin", ông Biden nói.
Cựu nhân viên Facebook tiết lộ tài liệu mật
Cơn ác mộng của Facebook tiếp tục gia tăng sau khi Frances Haugen, một cựu nhân viên của chính công ty này gửi đơn tố cáo công ty cũ sau những năm tháng thu thập tài liệu mật.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, cô cho biết: "Facebook đã hết lần này đến lần khác chọn cách tối ưu hóa cho lợi ích của chính họ, chẳng hạn như kiếm nhiều tiền hơn, thay vì quan tâm đến người dùng". Haugen cũng đã xuất hiện trước Quốc hội hai lần và điều trần trước Quốc hội Vương quốc Anh.
Sau thông tin này, một nhóm các tổ chức tin tức đã xuất bản một loạt câu chuyện từ các tài liệu, mà họ gọi là Facebook Papers, về sự thất bại của mạng xã hội đối với nội dung liên quan đến chính trị ở các nước đang phát triển. Sau đó, một làn sóng dịch chuyển từ Facebook sang các mạng xã hội khác đã diễn ra, chủ yếu ở bộ phận thanh thiếu niên.
Một nhóm luật sư cũng đang điều tra xem liệu mạng xã hội này có vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng hay không, đặc biệt là sau thông tin cho rằng mạng xã hội Instagram gây hại cho tinh thần của người trẻ.
Facebook đổi tên thương hiệu, hướng tới tương lai
Facebook đã công bố một thương hiệu lớn vào tháng 10, đổi tên thành Meta để thể hiện niềm tin rằng metaverse sẽ là "tương lai của ngành internet". Metaverse là một môi trường kỹ thuật số được xác định rõ ràng, trong đó mọi người sẽ tập trung dưới dạng 3D để làm việc và giải trí.
Công ty đang tiến về phía trước với những nỗ lực để thúc đẩy tầm nhìn đó. Trong năm 2021, công ty đã phát hành cặp kính thông minh đầu tiên Ray-Ban. Kính cho phép mọi người chụp ảnh và quay video 30 giây chỉ bằng một nút bấm. Việc phát hành chiếc kính này cho thấy Facebook đang tiến gần hơn một bước tới việc xây dựng kính có hiệu ứng thực tế tăng cường.
Tháng 11, công ty cũng tiết lộ một nguyên mẫu găng tay xúc giác bắt chước cảm giác thật của con người. Mark Zuckerberg cùng các kỹ sư đang nghiên cứu công nghệ dựa trên cổ tay để có thể cảm nhận các tín hiệu thần kinh và theo dõi ý định của người dùng, ngay cả khi người đó không di chuyển.