Một mình đưa ra khuyến nghị 'Bán mạnh' cổ phiếu đúng đáy, nhà phân tích chịu sức ép từ khắp nơi đổ về
Ông Zhao Dongchen - Trưởng bộ phận phân tích của ICBC International. Ảnh: King On/Bloomberg.
Ông Zhao Dongchen là Trưởng bộ phận phân tích của công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Công thương Trung Quốc - một ngân hàng quốc doanh của đất nước tỉ dân.
10 ngày trước ông Zhao công bố báo cáo phân tích lần đầu về cổ phiếu hãng hàng không Cathay Pacific và đưa ra khuyến nghị "Bán mạnh".
Trong email gửi tới cho Bloomberg tuần này, ông Zhao cho biết: "Năm nay tôi 36 tuổi và có 12 năm trong nghề phân tích đầu tư nhưng chưa bao giờ phải chịu áp lực lớn tới mức này chỉ vì một khuyến nghị cổ phiếu".
Khuyến nghị độc lập?
Hãng hàng không Cathay Pacific hiện đang gặp nhiều sức ép từ chính phủ Trung Quốc và đối mặt với việc bị các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tẩy chay vì nhân viên của hãng bay này tham gia cuộc biểu tình phản đối chính quyền tại Hong Kong.
Ngoài ông Zhao ra, không một nhà phân tích nào khác khuyến nghị bán cổ phiếu Cathay. Mức giá mục tiêu 6 đô la Hong Kong/cp mà ông Zhao đưa ra còn thấp hơn khoảng 40% thị giá cổ phiếu Cathay hiện hành.
Ông George Magnus – Cựu kinh tế trưởng của ngân hàng UBS tại Thụy Sỹ mô tả tình hình: "Một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc lại công bố một báo cáo đánh giá hết sức tiêu cực và đưa ra khuyến nghị bán bất thường đối với cổ phiếu một doanh nghiệp tư nhân ở Hong Kong, trong khi doanh nghiệp này đang là mục tiêu công kích của chính phủ Trung Quốc".
Nhà kinh tế này nói thêm: "Tôi cho rằng có yếu tố chính trị trong hoạt động ngân hàng quốc doanh Trung Quốc".
Cathay Pacific là hãng hàng không lớn nhất Hong Kong và chọn sân bay Hong Kong làm trạm trung chuyển chính. Tuy nhiên hãng bay này ngày càng phụ thuộc nhiều vào hành khách từ thị trường đại lục.
Sau khi các phi công và tiếp viên của Cathay tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố Hong Kong, cơ quan quản lí hàng không Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các biện pháp hạn chế đối với hãng bay này.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng đã bắt đầu tẩy chay Cathay, yêu cầu nhân viên của mình không bay với hãng hàng không này.
Giá cổ phiếu chạm đáy, CEO từ chức
Sau khi nhà phân tích Zhao Dongchen đưa ra khuyến nghị "Bán mạnh" ngày 13/8, cổ phiếu Cathay giảm xuống đáy 10 năm rồi lại hồi phục trong các phiên sau. Theo Bloomberg, tính từ ngày 13 đến 22/8, cổ phiếu này đã tăng giá 6,1% - thuộc top 5 tăng giá mạnh nhất trong nhóm 64 cổ phiếu hàng không trên toàn thế giới mà Bloomberg theo dõi.
Diễn biến giá cổ phiếu Cathay Pacific trong một tháng qua. Nguồn: Bloomberg.
Trong khi đó, ông Zhao phải chịu rất nhiều áp lực về việc nên hoãn hoặc hủy các buổi trả lời phỏng vấn, thay đổi khuyến nghị hoặc giá mục tiêu và ngừng cung cấp nghiên cứu cập nhật về Cathay. "Rất nhiều người cố gắng thuyết phục tôi 'nhẹ tay' với Cathay", ông Zhao nói.
Tuy nhiên ông Zhao khẳng định không ai tác động đến khuyến nghị hay thời điểm công bố báo cáo của ông và đến nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm đầu tư. Ông Zhao cho rằng nghiên cứu của ông hoàn toàn độc lập và mọi người không nên kì thị nhà băng Trung Quốc có liên quan tới chính phủ vì các nhà băng ở Anh hay Singapore cũng vậy mà thôi.
Trong báo cáo phân tích của mình, ông Zhao chỉ trích hãng bay Hong Kong vì có khả năng đã gây ra những thiệt hại "không thể đảo ngược" đối với thương hiệu và "sự yếu kém trong xử lí khủng hoảng" liên quan tới việc nhân viên tham gia biểu tình.
"Khuyến nghị Bán của tôi được đưa ra dựa trên sự khác biệt giữa giá cổ phiếu Cathay hiện tại và giá mục tiêu dự phóng, chỉ đơn giản như vậy thôi". Ông Zhao còn nói ông sẽ không ngại đưa ra những "khuyến nghị gây sốc" vì ông cho rằng những báo cáo với ý kiến trái ngược sẽ có ích với nhà đầu tư hơn.
Cũng theo ông Zhao, cổ phiếu Cathay hiện nay đang giao dịch với giá cao hơn các cổ phiếu khác ở châu Á và ưu thế này sẽ sớm biến mất vì nhiều nhân tố bất lợi, từ biểu tình ở Hong Kong đến tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, ban lãnh đạo của Cathay còn thể hiện "sự thiếu bình tĩnh" khi giải quyết các cuộc khủng hoảng, bao gồm cả sự cố rò rỉ dữ liệu mới đây và các vấn đề với nhà chức trách Trung Quốc, ông Zhao nói.
Vậy lời khuyên của ông Zhao cho Cathay là gì? "Hãy là một công ty tốt hơn", ông nói. Cathay Pacific từ chối đưa ra bình luận.
Trong báo cáo của mình, ông Zhao cho rằng một cuộc cải tổ lãnh đạo qui mô lớn có thể sẽ mang lại tác động tích cực cho Cathay. Ngày 16/8, ba ngày sau khi báo cáo được công bố, CEO Rupert Hogg của Cathay đã nộp đơn từ chức.
Vị CEO này cho biết ông đã "ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng và phải chịu trách nhiệm về cách xử lí cuộc khủng hoảng đó. Liệu cuộc khủng hoảng này có thể được xử lí theo cách khác không? Bây giờ nhìn lại, tôi cho là Có".
Người được bổ nhiệm làm CEO thay thế là ông Augustus Tang, năm nay 60 tuổi.
Trao đổi với Bloomberg, nhà phân tích K. Ajith tại UOB Kay Hian Pte tại Singapore cho biết: "Việc thay đổi CEO là bước đi đúng đắn để hàn gắn quan hệ với Trung Quốc đại lục. Ai đó phải nhận trách nhiệm. Việc này cho thấy Cathay đã ghi nhận tầm quan trọng của Trung Quốc đại lục và cổ đông của mình".
Bênh hàng nội, ghét hàng ngoại?
Ông Zhao hiện làm việc tại ICBC International có trụ sở tại Hong Kong, ông quản lí 21 chuyên viên phân tích phụ trách 8 ngành kinh tế.
Lĩnh vực chuyên môn chính của ông Zhao không phải là hàng không mà là các loại vật liệu thô. Theo ICBC, ông từng được tạp chí Institutional Investor bình chọn là nhà phân tích ngành năng lượng số 1 Trung Quốc.
Ông mới bắt đầu phân tích Cathay Pacific từ tháng 3 năm nay, tuy nhiên ông khẳng định rằng từ lâu ông đã theo dõi chặt chẽ ngành giao thông.
Năm 2006 khi ông mới bắt đầu làm việc tại một quĩ tương hỗ, ông phụ trách mảng hàng không trong khoảng ba tháng. "Tôi không xa lạ gì với lĩnh vực hàng không", ông Zhao nói.
Tuy vậy, ông Zhao dường như là người duy nhất đưa ra nhận định tiêu cực về Cathay. Trong số 19 nhà phân tích mà Bloomberg theo dõi, 13 người đưa ra khuyến nghị mua và 5 người đưa ra khuyến nghị nắm giữ.
Ông Mark Webb, một nhà phân tích tại GMT Research tại Hong Kong, là người có 18 năm kinh nghiệm theo dõi Cathay Pacific từ khi còn làm việc tại HSBC Holdings. Ông Webb cho rằng: "Khuyến nghị 'Bán mạnh' lúc này là hoàn toàn sai lầm. Chỉ khi nào tình hình Hong Kong xấu đi rõ rệt thì cổ phiếu này mới có thể giảm sâu".
Ông Zhao được biết đến là người đưa ra những nhận định hết sức tiêu cực về các doanh nghiệp nước ngoài như Rio Tinto Plc, Vale SA và BHP Group Ltd, trong khi chỉ đưa ra khuyến nghị Mua đối với các doanh nghiệp Trung Quốc như công ty đào vàng Shandong Gold Mining Co.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Zhao đáp: "Tôi vừa đưa ra một khuyến nghị Bán mạnh đối với Cathay xong phải không nào? Đó là một doanh nghiệp Hong Kong – Trung Quốc, không phải doanh nghiệp nước ngoài".