Biểu tình Hong Kong đẩy Cathay Pacific lún sâu khủng hoảng
Người biểu tình gây bão tại sân bay Hong Kong
Hãng hàng không Cathay Pacific - biểu tượng cho sự trỗi dậy của Hong Kong không chỉ phải đối mặt với lượng khách tại thị trường “vàng” giảm mạnh mà còn bị chính quyền Đại lục đe dọa sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu để nhân viên tham gia biểu tình.
Đợt khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử Cathay Pacific?
Cuộc biểu tình nhằm phản đối dự luật dẫn độ tại Hong Kong đang ngày càng sôi sục khi người biểu tình kéo tới các dịch vụ vận tải đại chúng như sân bay, nhà ga tàu điện đến mức cảnh sát phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông.
Ngay đầu tuần, sân bay Hong Kong đã buộc phải hủy toàn bộ số chuyến bay xuất phát từ đây vì hàng nghìn người biểu tình theo hình thức ngồi. Riêng Cathay Pacific - hãng bay hàng đầu của đặc khu kinh tế Hong Kong, theo thống kê mới nhất, đã phải huỷ hơn 150 chuyến bay hồi tuần trước vì biểu tình khiến sân bay bất ổn, số lượng đặt vé giảm mạnh.
Cổ phiếu của Hong Kong trong phiên giao dịch đầu tuần giảm hơn 4% và đang đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay tại Trung Quốc. Lời kêu gọi #BoycottCathayPacific (Tẩy chay Cathay Pacific) trên mạng xã hội Weibo thu hút hơn 17 triệu lượt xem và 8.000 lượt bình luận.
Chưa dừng ở đó, Cathay Pacific còn dính lời cảnh báo mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc, đẩy hãng này đứng trước nguy cơ có thể rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 72 năm.
Trong đó, Cơ quan Quản lý hàng không Trung Quốc (CAAC) yêu cầu Cathay Pacific phải kê chi tiết thông tin nhân viên trên các chuyến bay tới Đại lục hoặc đi qua không phận của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng yêu cầu Cathay Pacific cấm bay đối với các nhân viên tham gia các cuộc biểu tình đã và đang làm tê liệt Hong Kong thời gian gần đây. Những chuyến bay có danh sách phi hành đoàn chưa được CAAC thông qua sẽ không được sử dụng không phận Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời một số chuyên gia nhận định, lời cảnh báo từ phía Trung Quốc là nhắm tới “quả trứng vàng” của Cathay Pacific vì 1/5 số chuyến bay của Cathay là trực tiếp tới thị trường Trung Quốc với 24 địa điểm.
Mặc dù công ty này không công bố cụ thể chi tiết hoạt động kinh doanh tại Đại lục nhưng Trung Quốc và Hong Kong tạo ra một nửa doanh số của hãng - tương đương 57 tỉ USD trong tổng lợi nhuận 111 tỉ USD năm 2018, phản ánh con số hàng triệu hành khách tại Đại lục sử dụng hãng này mỗi năm.
Sân bay Hong Kong tiếp nhận khoảng 100.000 hành khách mỗi ngày, nhưng người biểu tình đã làm gián đoạn hoạt động và khiến nơi này trở nên yên tĩnh khi các máy bay đều không thể cất hạ cánh.
Việc sân bay Hong Kong đóng cửa bất ngờ khiến giới chức Trung Quốc bày tỏ tức giận. Trong khi đó người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình trong tháng 8 cho tới khi lãnh đạo Hong Kong đáp ứng yêu cầu rút hoàn toàn dự luật và bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hong Kong phải từ chức.
Ông Achim Czerny, giáo sư về quản lý hàng không tại Đại học Polytechnic cho biết, Cathay Pacific không khó để giảm sự phụ thuộc đối với thị trường Trung Quốc nhưng câu hỏi đặt ra là liệu về mặt kinh doanh thì điều đó có thực sự khôn ngoan. “Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường hàng không nội địa lớn nhất thế giới. Nếu Cathay Pacific lờ đi sự phát triển đó và không tìm mọi cách để xây dựng thị phần thì thực sự không thông minh”, ông Achim nhận định.
Cathay cảnh báo sa thải nhân viên nếu tham gia biểu tình
Sân bay Hong Kong chật ních người biểu tình
Có lẽ, bản thân hãng bay hàng đầu Hong Kong cũng thừa nhận điều này khi Chủ tịch Cathay Pacific Rupert Hogg chia sẻ trong thư gửi nhân viên rằng: Thị trường Trung Quốc rất quan trọng và việc phải tuân thủ các quy định sở tại là cần thiết. Tiếp đó, Cathay Pacific ra cảnh báo có thể sa thải nhân viên nếu họ “ủng hộ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình phi pháp”.
Trong thông báo gửi tới toàn thể nhân viên, Giám đốc điều hành Cathay Pacific Rupert Hogg nhấn mạnh, nhân viên Cathay Pacific có thể đối mặt với “hậu quả kỷ luật” nặng nếu tham gia vào các cuộc biểu tình dân chủ.
“Tập đoàn Cathay Pacific không chấp nhận việc tiếp cận các hoạt động phi pháp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, những nhân viên ủng hộ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình phi pháp sẽ đối mặt với những hình thức kỷ luật nặng, có thể là nghỉ việc”, ông Hogg nói và nhấn mạnh, “mọi hành động và lời nói của nhân viên dù ở ngoài giờ làm việc cũng có thể ảnh hưởng đáng kể tới công ty”.
Nhiều chuyến bay từ Việt Nam bị hoãn hủy
Trong ngày hôm qua (13/8), cả 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet đã phải điều chỉnh nhiều chuyến bay do ảnh hưởng của biểu tình tại Hong Kong.
Theo đó, Vietnam Airlines lùi giờ khai thác 2 chuyến bay VN594, VN595 giữa TP HCM - Hong Kong 7 tiếng 40 phút so với kế hoạch ban đầu. Jetstar Pacific hủy 2 chuyến BL160, BL161 giữa Hà Nội - Hong Kong, 2 chuyến BL164, BL165 giữa Đà Nẵng - Hong Kong.
Phía Vietjet cũng cho biết chuyến bay VJ876/ VJ877 chặng TP HCM - Hong Kong và ngược lại cũng phải tạm ngừng khai thác.
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng đều được hỗ trợ theo quy định và chuyển đổi sang các chuyến bay khác cùng hành trình nếu có yêu cầu. Các hãng hàng không cũng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch bay giữa Việt Nam và Hong Kong trong thời gian này cần thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động kế hoạch đi lại.
Trước đó, hôm 5/8, cũng có khá nhiều chuyến bay đi/đến sân bay Hong Kong từ Việt Nam phải huỷ do nhà chức trách sân bay Hong Kong tuyên bố đóng cửa sân bay vì biểu tình.
Thanh Bình
Hàng trăm hành khách mắc kẹt ở sân bay Hong Kong
Tính tới hết ngày 13/7, tổng cộng có khoảng 180 chuyến bay tới Hong Kong đã bị hủy sau khi hơn 5.000 người biểu tình tràn vào khu điều hành của sân bay lớn nhất đặc khu vào chiều 12/8. Khoảng 45 máy bay đang trên đường tới Hong Kong cũng phải đổi hướng và hạ cánh xuống nơi khác.
Việc thiếu thông tin từ các hãng hàng không khiến hàng trăm người vẫn đến sân bay mà không biết chuyến bay của họ bị hủy. Họ chỉ có thể hỏi tình hình từ những hành khách đang ngồi tại quầy làm thủ tục.
Hòa Bình
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/