Mỗi người dùng Việt chốt hơn 100 đơn hàng online/năm, cao gần gấp đôi mức trung bình tại Đông Nam Á
Ninja Van Group, công ty logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á mới đây đã công bố hợp tác nghiên cứu với mạng chuyển phát bưu kiện lớn nhất châu Âu DPD Group.
Hai đơn vị này đã làm việc cùng nhau để phát hành báo cáo về thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á năm 2021 (E-Commerce Southeast Asia (SEA) Barometer 2021 Report), đề cập đến thói quen mua hàng của người mua sắm trực tuyến trong khu vực, cùng với trải nghiệm mua sắm mong muốn của họ từ khi đặt hàng đến khi giao hàng.
Nghiên cứu này được thực hiện ở 6 quốc gia Đông Nam Á với hơn 9.000 người tham gia vào tháng 7/2021. Dưới đây là những điểm nổi bật được Ninja Van Group ghi lại, theo kết quả từ cuộc khảo sát.
Người tiêu dùng Đông Nam Á đặt trung bình 66 đơn/năm
Số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng đáng kể trong hai năm qua, đạt khoảng 70 triệu người tính đến thời điểm hiện tại. Trên quy mô khu vực, 70% tổng dân số ở Đông Nam Á đã bắt đầu mua sắm trực tuyến kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ trong 12 tháng qua, riêng Ninja Van Group đã ghi nhận số lượng đơn hàng trung bình được giao mỗi ngày rơi vào khoảng 2 triệu đơn trên toàn khu vực.
Theo báo cáo của Ninja Van Group và DPD Group, người tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam là những người đặt hàng nhiều nhất trong một năm, với trung bình 104 đơn. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Thái Lan (75 đơn/năm), Singapore và Philippines (cùng 58 đơn/năm), Indonesia (52 đơn/năm) và Malaysia (46 đơn/năm). Trung bình, người tiêu dùng ở Đông Nam Á đặt khoảng 66 đơn hàng trực tuyến/năm.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Thái Lan với 16% và ngang hàng với Philippines. Như vậy có thể thấy người Việt Nam cực kỳ yêu thích việc mua sắm online và hiện đang dẫn đầu khu vực về nhiều chỉ số. Theo một báo cáo khác từ Statista thì hiện tại Việt Nam đang sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Theo báo cáo, người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á có thể được định nghĩa rõ hơn là một nhóm người hiểu biết về công nghệ và có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến trước đó.
“Săn sale” là động lực chính thúc đẩy những người này mua sắm trực tuyến với 72% người tham gia khảo sát cho biết việc này giúp họ tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc nhận được các mã freeship là yếu tố hiệu quả nhất giúp khách hàng quay trở lại mua sắm trực tuyến trong tương lai.
Nhóm này cũng rất quan tâm đến đánh giá của khách hàng khi đưa ra quyết định mua hàng, bằng chứng là tỷ lệ cao (94%) trong số họ chia sẻ hoặc công bố phản hồi sau khi mua sản phẩm.
Hơn 50% người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã mua hàng xuyên biên giới
Khi người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng quen với việc mua sắm trực tuyến, họ cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào hoạt động bán lẻ xuyên biên giới.
Trên thực tế, hơn một nửa số người được hỏi đã mua hàng từ một trang web nước ngoài tại một số thời điểm nhất định. Số lượng người thực hiện mua sắm trực tuyến xuyên quốc gia dự kiến sẽ còn tăng lên trong tương lai.
Bên cạnh việc đặt mua hàng từ các quốc gia khác trong cùng khu vực, người tiêu dùng Đông Nam Á còn tăng cường mua hàng từ những quốc gia lớn hơn tại châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thói quen mua sắm mới này cho thấy nhu cầu cần thiết của các nhà bán lẻ trực tuyến để mở rộng cơ sở khách hàng của họ ra ngoài biên giới quốc gia. Tương tự, đối với các chủ cửa hàng, họ cần phải nắm bắt cơ hội này để trở thành những người dẫn đầu trong khu vực.
80% người tiêu dùng Đông Nam Á thích giao hàng về nhà
Khác với tại các cửa hàng vật lý, nơi trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quan trọng, quyết định việc liệu họ có xuống tiền mua sản phẩm hay không, trải nghiệm mua sắm trực tuyến chỉ kết thúc sau khi họ nhận được đơn đặt hàng. Là giai đoạn cuối cùng của mua sắm trực tuyến, việc giao hàng có tác động đáng kể đến trải nghiệm tổng thể.
Theo khảo sát, 80% người tiêu dùng ở Đông Nam Á thích được giao hàng trực tiếp đến nhà của họ. Cơ quan làm việc là địa điểm yêu thích thức hai được người mua chọn làm điểm giao hàng. Riêng tại Việt Nam, 74% người tiêu dùng trực tuyến muốn đặt hàng giao về nhà, 50% đặt hàng giao tới công ty và 10% đặt hàng tới các bưu điện gần nơi ở.
Nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ mong muốn được theo dõi thời gian thực cho các đơn hàng được giao, vì các công cụ này cho phép truy cập thông tin chi tiết về lô hàng, bao gồm trạng thái hàng hóa và thậm chí cả thời gian giao hàng ước tính, giống với những phần mềm đặt xe hoặc gọi đồ ăn.
Hơn nữa, những người mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á thường muốn biết tên của công ty giao hàng. Có rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho vấn đề này. Cụ thể, 56% người mua muốn chọn một nơi đảm bảo dịch vụ tốt; 51% chuyển sang cung cấp sự yên tâm; 38% cho các lựa chọn thay thế giao hàng thân thiện với môi trường; 35% thích công ty quen thuộc của họ và 35% còn lại đã có trải nghiệm tồi tệ trước đó và muốn tránh những đơn vị giao hàng cũ.