|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mọi ánh mắt hướng về một con tàu chở dầu: Nhân tố bất ngờ trong căng thẳng Mỹ - Trung

17:01 | 31/05/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang, thị trường dầu thế giới đang dõi theo hành trình của một con tàu Trung Quốc chở đầy dầu thô của Iran.

Nếu con tàu này trở về quê nhà Trung Quốc, đây có thể là hành động vi phạm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran mà Mỹ áp đặt.

Con tàu chở dầu siêu lớn của Trung Quốc có tên Pacific Bravo được hai hãng theo dõi tàu biển TankerTrackers.com và KPLR xác định đang chở dầu đi khỏi Iran và có thể đang đi về Trung Quốc. Nếu đúng, đây sẽ là chuyến tàu chở dầu đầu tiên từ Iran đến Trung Quốc kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran vào ngày 1/5.

Mọi ánh mắt hướng về một con tàu chở dầu: Nhân tố bất ngờ trong căng thẳng Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Chiếc tàu Pacific Bravo của Trung Quốc nhận dầu thô từ đảo Kharg của Iran. Ảnh: CNBC/Planet Labs và TankerTrackers.com

(Tháng 11/2018, Mỹ áp lệnh cấm vận đối với Iran nhưng một số quốc gia được Mỹ cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Iran trong 6 tháng để có thời gian chuẩn bị nguồn cung khác, các quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, .... Khoảng thời gian 6 tháng này kết thúc vào hôm 1/5 vừa qua.)

Ông John Kilduff – một chuyên gia tại Again Capital nhận định: "Liệu Trung Quốc có phớt lờ lệnh cấm vận hay không? Nếu đúng thì đây sẽ là hành động vi phạm trực tiếp đầu tiên và sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Iran – giúp chế độ cầm quyền tại đây tiếp tục tồn tại".

Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa ra bình luận về việc Pacific Bravo có vi phạm lệnh cấm vận hay không nhưng khẳng định cơ quan này sẽ áp dụng chặt chẽ lệnh cấm vận bằng cách trừng phạt nghiêm khắc bất cứ con tàu hay cơ sở nào vi phạm.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Bộ Tài chính vẫn tiếp tục xác định những con tàu và công ty tham gia giao dịch bất hợp pháp với Iran, chúng tôi cũng đã thông báo rõ tới cộng đồng hàng hải quốc tế rằng chúng tôi sẽ nghiêm túc áp dụng các lệnh cấm vận của mình".

Quan chức chính phủ Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc và đặc biệt cả Hong Kong tránh vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran sau khi phát hiện một tàu vận tải nhận dầu của Iran vào đầu tháng 5.

Mới đây nhất hôm qua 30/5, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran – ông Brian Hook cho biết Mỹ sẽ cấm vận bất cứ quốc gia nào mua dầu của Iran sau ngày 2/5. Ông Hook nhấn mạnh: "Chính sách bất di bất dịch của chúng tôi là cắt đứt hoàn toàn nguồn xuất khẩu dầu mỏ từ Iran. Chấm hết".

Hãng tin CNBC đã liên hệ Đại sứ quán Trung Quốc và đề nghị đưa ra bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

Chiếc tàu Pacific Bravo mới đây được mua lại bởi Ngân hàng Kunlun – thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Ngân hàng ngày được biết đến với vai trò quan trọng trong thiết lập quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Iran.

Theo dấu con tàu

Sau khi nhập dầu từ Iran, chiếc tàu Pacific Bravo được hai trang chuyên theo dõi tàu vận tải là TankerTrackers.com và KPLR phát hiện trên vịnh Ba Tư vào khoảng ngày 11/5. Tại đây, chiếc tàu này được cho là đã tắt thiết bị định vị tự động và tiến về phía đảo Kharg của Island và nhận dầu thô, theo thông tin từ TankerTrackers.com.

Sau đó, chiếc Pacific Bravo được phát hiện ở mỏ dầu ngoài khơi Sorroosh. Ông Samir Madani, đồng sáng lập trang TankerTrackers.com cho biết sau khi đã nhận đầy dầu, chiếc Pacific Bravo đã bật bộ phát tín hiệu trở lại và thông báo nó đang tiến về phía Indonesia.

Những thông tin về chiếc Pacific Bravo xuất hiện khi mà căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang lên cao. Cuộc chiến thương mại leo thang và những lo ngại về an ninh quốc gia giữa Washington và Bắc Kinh đã gây áp lực ngày càng lớn lên mối quan hệ lâu nay giữa Trung Quốc và Iran.

Trung Quốc đã công khai nhún nhường và hứa sẽ tuân thủ lệnh cấm vận mà Mỹ áp dụng lên Iran. Tuy nhiên, nếu chiếc Pacific Bravo chở dầu thô của Iran về Trung Quốc, đây sẽ là hành động vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận của Mỹ và nhiều khả năng sẽ khiến cho cuộc đàm phán giữa hai siêu cường kinh tế thêm phức tạp.

Ngành dầu mỏ thế giới gần đây theo dõi chặt chẽ Iran và giao dịch với các bạn hàng lớn của nước này như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tháng 5, Iran không nhận được đơn hàng mua dầu nào và tình hình xuất khẩu đã chậm lại đáng kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh cấm vận vào tháng 11/2018.

Một con tàu tượng trưng cho chính sách của một quốc gia

Ông Samir Madani, đồng sáng lập trang TankerTrackers.com cho biết nhóm chuyên gia của ông dự đoán Pacific Bravo có thể sẽ tiến về phía eo biển Malacca (giữa Indonesia và Malaysia). Tại đây, chiếc tàu này có thể chuyển hàng sang một chiếc tàu khác – đây là một nghiệp vụ hay được các tàu của Bank of Kunlun thực hiện. Có thể phải mất vài tháng nữa lượng dầu trên tàu mới được đưa về Trung Quốc.

Hiện nay chiếc Pacific Bravo đang đi khỏi khu vực biển Sri Lanka.

Ông Alex Booth, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại KPLR cho rằng nhiều khả năng con tàu này sẽ thay đổi điểm đến trong hành trình.

"Việc các chiếc tàu thay đổi điểm đến là khá phổ biến. Indonesia có thể chỉ là một trạm dừng chân chứ không phải điểm đến cuối cùng", ông Booth nói.

Ông Booth cho rằng nhiều khả năng bến đỗ cuối của chuyến tàu này là Trung Quốc chứ không phải Indonesia, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng không có cách nào để biết chắc chắn và tất cả phải đợi đến khi quá trình giao hàng hoàn tất.

Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng Bank of Kunlun của Trung Quốc đối mặt với cảnh báo từ Mỹ. Trước đây, ngân hàng này từng đóng vai trò trung gian giúp Trung Quốc giao dịch với Iran. Do tiếp tục giao dịch với Iran trong lần Mỹ cấm vận gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Obama đã đưa cả ngân hàng này vào danh sách bị cấm vận.

Tuy nhiên vào tháng 4 vừa qua, Bank of Kunlun thông báo tới khách hàng rằng ngân hàng này sẽ không hạch toán các giao dịch của Iran sau khi lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mà Mỹ áp lên Iran có hiệu lực từ ngày 1/5

Nếu tàu Pacific Bravo chở dầu từ Iran về giao tại cảng Trung Quốc, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bank of Kunlun nói riêng và Trung Quốc nói chung đã thay đổi chính sách liên quan tới Iran và Mỹ.

Song Ngọc