|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mở nhà trẻ tư thục: Vốn lớn nhưng thu lãi nhanh

20:53 | 08/10/2018
Chia sẻ
Đầu tư nhà trẻ tư thục là lựa chọn của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp do đáp ứng nhu cầu thị trường và là mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận cao.
 

Địa điểm đẹp quyết định 50% thành công

Hiện nay, các bậc cha mẹ ngày càng ý thức, chăm lo tương lai cho con cái. Bởi vậy, mở trường mầm non tư thục là ý tưởng kinh doanh tiềm năng mà nhiều bạn trẻ lựa chọn. Giống như mọi lĩnh vực khác, nhà đầu tư cần chuẩn bị số vốn nhất định để khởi thảo công trình, trang bị cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự.

Trương Thị Kiều Oanh – người sáng lập Trường tư thục mầm non Anh Đào ở TP. Hồ Chí Minh - nhận định số tiền đầu tư phụ thuộc vào quy mô của mô hình kinh doanh. Nhà trẻ chỉ cần tầm 300 – 400 triệu đồng, nhưng vốn để lập trường mẫu giáo có thể dao động 30 – 40 tỷ đồng.

“Với 400 triệu đồng, chủ đầu tư chi khoảng 30% tiền thuê mặt bằng, 45% cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị học tập cho hai phòng học và 25% mua đồ chơi ngoài trời, dụng cụ nhà bếp để phục vụ tầm 50 em nhỏ”, Oanh nói.

dau tu nha tre tu thuc von nhieu thu lai nhanh
Trương Thị Kiều Oanh – người sáng lập Trường tư thục mầm non Anh Đào chia sẻ trong chương trình Chuyển động kinh doanh.

Để lập trường mầm non, doanh nhân cần thực hiện thủ tục pháp lý, đảm bảo chất lượng đầu vào của giáo viên. Chị Oanh cho biết, chủ cơ sở phải tới phường, xã xin mở lớp, nhóm trông dạy trẻ, hoặc đến phòng giáo dục xin giấy phép, trình bày đề án mở trường mẫu giáo theo quy định của ngành.

Chủ trường mầm non không cần học sư phạm, nhưng bắt buộc tốt nghiệp lớp 12, nghiệp vụ quản lý. Đội ngũ giáo viên có bằng từ trung cấp giảng dạy mầm non trở lên, có chứng Anh văn và Tin học. Đặc biệt, người quản lý phải đánh giá, lựa chọn phẩm chất ứng viên khi tuyển dụng, uốn nắn nhân sự trong quá trình thử việc, đồng thời kiểm tra định kỳ, đột xuất và tạo môi trường thân thiện giúp giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất.

Nhà sáng lập trường Anh Đào nhấn mạnh, lựa chọn địa điểm quyết định 50% thành công trong kinh doanh mẫu giáo. Vì đặt sai địa điểm, lớp mầm non khó thu hút trẻ, dẫn tới lợi nhuận khó đạt mức kỳ vọng. Ngoài vị trí, diện tích đủ rộng cũng quan trọng do mỗi phòng học phải rộng khoảng 1,5 m2/bé, nhà vệ sinh 1,2 m2/bé và chỗ ngủ tầm 1 m2/bé để đảm bảo chất lượng chăm sóc.

Người kinh doanh thu lời nhanh

Kinh doanh mầm non tư thục đòi hỏi vốn đầu tư tương đối lớn. Tuy nhiên, Ngô Thị Sợi – người quản lý Trường mầm non Sao Mai ở thành phố Hải Phòng - nhận định, chủ cơ sở sẽ thu hút được nhiều khách hàng bằng cách xây dựng hình thức, phương pháp giáo dục chất lượng. Tâm lý chung của bậc phụ huynh đều mong muốn con em được sử dụng dịch vụ giáo dục tốt nhất nên trường có thể đưa ra mức giá cao, góp phần thu lãi nhanh.

dau tu nha tre tu thuc von nhieu thu lai nhanh
Trường mầm non Sao Mai ở thành phố Hải Phòng của chị Ngô Thị Sợi.

Vốn là giáo viên mầm non nhiều năm, chị Sợi quyết định mở cơ sở trông dạy trẻ riêng. Tận dụng địa điểm nhà ở rộng rãi, chị chỉ đầu tư vỏn vẹn 50 triệu đồng để trang trí lớp, mua thiết bị học tập, đồ chơi phục vụ 10 em. Sau ba năm, chị tăng số vốn đầu tư lên gần 3 tỷ đồng để xây dựng nhà trường, mua sắm đồ chơi, thiết bị học tập, nhưng số lượng học sinh tăng giúp chị bắt đầu có lãi.

“Mức chi phí cơ sở vật chất ban đầu cho một trường mẫu giáo quy mô nhỏ 20 học sinh là khoảng 200 triệu đồng. Mỗi bé đóng 1,5 – 1,6 triệu đồng/tháng, trong khi lương giáo viên tối đa 5 triệu đồng/tháng thì chỉ sau một năm nhà đầu tư sẽ thu lại vốn”, Sợi cho hay.

Trên thực tế, mức học phí phổ biến ở nhiều trường mầm non tư thục là trên 1 triệu đồng/tháng. Mức giá dao động 400.000 – 500.000 đồng/tháng với những cơ sở có hạ tầng lớp học thiếu thốn, chật chội, thiếu không gian. Thậm chí, nhiều cơ sở thu 5 triệu đồng/tháng để đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến, giáo viên trình độ cao.

Rủi ro cao

Theo chị Sợi, mặc dù đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng kinh doanh mầm non đối mặt nhiều rủi ro. Một số cơ sở đầu tư rất lớn nhưng số lượng học sinh không đủ khiến chi phí vận hành tăng cao nên thua lỗ nhiều năm.

“Sai lầm khiến chủ cơ sở mẫu giáo thất bại là đặt sai địa điểm, độ chênh lệch lứa tuổi học sinh trong một lớp quá lớn dẫn đến việc thu hút, chăm sóc trẻ không đồng đều. Vì vậy, muốn thành công, bản thân chủ cơ sở phải là người làm trong nghề”, Sợi bình luận.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở mẫu giáo phải đóng cửa do những bất cập trong chế biến thực phẩm cho trẻ. Đầu bếp ăn bớt hay vô tâm khi bảo quản, sơ chế thực phẩm làm trẻ đau bụng. Những vấn đề trong quản lý, giám sát nhà bếp khiến việc mở rộng chuỗi hệ thống trường mầm non trở nên khó khăn.

Xem thêm

Bùi Mến