Mô hình kinh doanh lỗi thời, PayPal có thể giữ ngôi đầu trong bao lâu?
Số liệu thống kê cho thấy số người dùng PayPal đã tăng thêm 17% từ năm 2018 tới năm 2019, nhưng công ty lại mất một đối tác chiến lược là nền tảng thương mại điện tử eBay, theo Tech In Asia.
Tính đến năm 2014, eBay là nguồn mang lại 30% doanh thu (tương đương 50% lợi nhuận) cho PayPal. "Gã khổng lồ" eBay chuyển sang hợp tác với Adyen có trụ sở tại Amsterdam – một đối thủ cạnh tranh kì cựu của PayPal.
Trong bối cảnh này, liệu tình hình kinh doanh của PayPal có thể tuột dốc?
Tăng phí giao dịch
Chi phí giao dịch của PayPal ngày càng tăng và đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến eBay chấm dứt hợp tác với PayPal.
PayPal đã thông báo tăng phí giao dịch lên mức 2,9% + 0,30 USD cho các giao dịch nội địa ở Mỹ. Nếu doanh nghiệp nhận tiền chuyển đến từ các quốc gia ngoài phạm vi nước Mỹ, chi phí giao dịch lên tới 4,4% kèm một khoản phí khác tùy thuộc vào quốc gia gửi tiền tới.
Chính sách ấy giúp PayPal tăng doanh thu hàng năm nhưng ảnh hưởng lớn đến các thương nhân tầm trung. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận mức phí mới.
Nhìn chung, một doanh nghiệp bán lẻ truyền thống sẽ phải thanh toán 1,95% đến khoảng 2% giá trị giao dịch khi sử dụng thẻ Visa, Mastercard hay Discover. Thực trạng ấy đồng nghĩa với việc họ sẽ trả 0,25% + 0,10 USD/ giao dịch (tương đương 0,35 USD cho một giao dịch 100 USD).
Dù đây chỉ là ước tính sơ bộ nhưng cũng cho thấy mức phí giao dịch của PayPal cao hơn hẳn so với phí thẻ tín dụng.
Sau đây là bảng tóm tắt chi phí giao dịch của PayPal
Phương thức thanh toán | Phạm vi chuyển tiền | Phí giao dịch |
Thanh toán online | Trong nước Mỹ | 2,9% tổng tiền giao dịch + phí cố định giựa trên tiền tệ |
| Ngoài nước Mỹ | 4,4% tổng tiền giao dịch + phí cố định giựa trên tiền tệ |
Thanh toán tại cửa hàng | Trong nước Mỹ | 2,7 % tổng tiền giao dịch |
| Ngoài nước Mỹ | 4,2 % tổng tiền giao dịch |
PayPal chiếm ưu thế trong thiết bị di động
Việc tăng chi phí hoạt động và công bố mức thua lỗ trong quý II năm nay của PayPal vào tháng 7 đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu. Sau đó, nỗi lo của các nhà đầu tư giảm khi họ nhìn vào những thành công gần đây của PayPal. Báo cáo cho thấy PayPal có thêm 9 triệu tài khoản hoạt động mới trong quý II, tăng 17% so với năm trước.
Dịch vụ One Touch của Paypal cho phép người dùng đăng nhập PayPal để thực hiện thanh toán một cách dễ dàng và nhanh chóng. Paypal đã thực sự thành công khi thu hút hơn 10 triệu chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trên thiết bị di động.
Số người dùng tăng lên từng ngày kéo theo số lượng giao dịch được thực hiện qua thiết bị di động của PayPal tăng 45% trong quý III năm 2018.
Theo báo cáo gần đây của PayPal, doanh thu của họ đã đạt mốc 4,31 tỉ USD, tăng 12% so với năm trước. Mức tăng đó sẽ bù đắp vào thiệt hại do hoàn toàn chấm dứt hợp tác với eBay sau năm 2020.
Cuộc đua tại thị trường châu Á
PayPal đang có một lợi thế lớn khi họ là doanh nghiệp tiên phong trong hỗ trợ các giao dịch trực tuyến nhưng mới chỉ phổ biến tại Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của PayPal đang nhắm tới khai thác thị trường châu Á đầy tiềm năng.
Lần đầu tiên ra mắt tại Singapore vào năm 2016, cổng thanh toán Stripe của Mỹ đã chọn quốc đảo là thị trường chiến lược và thành công trong việc giành các khách hàng lớn như Grab và Didi Chuxing.
Báo cáo mới nhất cho thấy PayPal có thêm 9 triệu tài khoản hoạt động mới trong quý II, tăng 17% so với năm trước. Ảnh: Business Insider
PayU, một công ty con của Naspers, tập trung vào khai thác 16 thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, cung cấp các giải pháp giao dịch phù hợp với từng địa phương, từng người tiêu dùng và nhu cầu của giới bán hàng trực tuyến.
Vào tháng 7/2019, PayU mua lại phần lớn cổ phần của công ty Red Dot Payment tại Singapore. Ông Laurent le Moal, CEO của PayU, khẳng định: "Giờ đây, chúng tôi có thể cung cấp cho các doanh nghiệp toàn cầu khả năng thâm nhập Đông Nam Á thông qua nền tảng PayU Hub toàn cầu mà chúng tôi cải thiện nhờ tích hợp API đơn nhất".
Ngược lại, PayPal đang trải qua giai đoạn sóng gió tại đây khi phải đóng cửa văn phòng tại Malaysia, nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng trên toàn châu Á để chuyển giao nhiệm vụ này cho các văn phòng nhỏ hơn tại Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Sự trỗi dậy của Bitcoin
Dù nhiều quốc gia chưa chính thức công nhận Bitcoin là phương thức thanh toán hợp pháp, nó vẫn là mối đe dọa lớn cho sự tồn tại của PayPal.
Bitcoin hoạt động theo nguyên tắc trái ngược với mô hình kinh doanh của PayPal. Thay vì tìm cách trở thành một bên trung gian kiếm lợi từ các giao dịch trực tuyến, Bitcoin loại bỏ hoàn toàn vai trò của bên thứ ba trong chuỗi giao dịch.
Trước đây, mức phí giao dịch của PayPal thấp hơn nhiều so với phí ngân hàng và một số tổ chức tài chính khác. Đó là lợi thế của PayPal. Nhưng với Bitcoin, người dùng hoàn toàn không mất chi phí giao dịch.
Như vậy, phương án khả thi cho PayPal là ứng dụng tiền điện tử và blockchain vào hệ thống của họ. Trước đây, PayPal từng tuyên bố họ quan tâm tới việc tích hợp, nhưng mọi động thái mới nhất cho thấy họ có xu hướng tập trung nhiều vào blockchain.
Vượt lên những yếu tố bất lợi ấy, PayPal vẫn đang là một công ty đi đầu trong cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, nếu họ bỏ qua tiềm năng từ các công nghệ mới hoặc tiếp tục tăng chi phí và vận hành mô hình kinh doanh lỗi thời hiện tại, người dùng giờ đây có hàng tá lựa chọn thanh toán tốt hơn PayPal hoặc sử dụng tiền điện tử.