|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mô hình kinh doanh có quan hệ sở hữu phức tạp nhận 10 tỷ đồng từ 'Vua chảo'

16:13 | 21/09/2018
Chia sẻ
"Vua chảo" Nguyễn Xuân Phú là nhà đầu tư duy nhất sẵn sàng rót tiền vào mô hình kinh doanh gia đình với mối quan hệ sở hữu "nhập nhằng" trong Shark Tank Việt Nam vào tối 19/9.
mo hinh kinh doanh co quan he so huu phuc tap nhan 10 ty dong tu vua chao 'Vua chảo' Nguyễn Xuân Phú: Kinh doanh giống như chơi thể thao hay tán tỉnh một cô gái

Trong tập 12 của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 2, cô gái Yến Quân, nhà sáng lập của Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam (VBEC) kêu gọi đầu tư 10 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.

mo hinh kinh doanh co quan he so huu phuc tap nhan 10 ty dong tu vua chao
Yến Quân - Chủ sở hữu Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam VBEC. Ảnh: Shark Tank Nam.

Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam VBEC chỉ mới ra đời vào tháng 6/2017 và hoạt động quảng bá là chủ yếu. Đa số khách hàng là khách mời của Yến Quân.

Khi được hỏi về kết quả kinh doanh của VBEC, Yến Quân trả lời: “Nó không hoà vốn nhờ khách tới ăn yến mà hoà vốn nhờ khách tới mua yến”. Doanh số trên báo cáo tài chính chính thức là 20 triệu đồng, lợi nhuận đạt 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, về thực tế, những con số này không phản ánh đúng tình hình kinh doanh của công ty này. Khi các "cá mập" hỏi về con số doanh thu thực tế, Yến Quân “lấp lửng” câu trả lời. Yến Quân cho biết tiền thu từ khách hàng đến mua yến không được đưa vào doanh thu và toàn bộ chi phí là do một mình cá nhân quản lý VBEC là Yến Quân chịu trách nhiệm.

Hiện tại, VBEC có tất cả 34 cổ đông. Theo lời Yến Quân, cô huy động được 2 triệu USD cho dự án Trung tâm triển lãm Yến sào Việt Nam - bao gồm 1 triệu USD từ 4 cá nhân, 1 triệu USD từ cộng đồng (mỗi người bỏ ra 30 triệu đồng).

Yến Quân cho biết năm 2018, toàn bộ những cổ đông đã mua cổ phần được đảm bảo lợi nhuận 18%. Tuy nhiên, trên thực tế, 6 tháng đầu năm VBEC vẫn chưa có lợi nhuận mà Yến Quân bỏ tiền túi ra bù lỗ cho VBEC.

Các nhà đầu tỏ ra lo ngại tư vì Yến Quân không tách bạch giữa tiền cá nhân và của công ty. Shark Phú nói: “Anh không thích sự minh bạch của em khi lấy tiền túi trả cổ tức. Anh chưa biết nguồn tiền của em ở đâu ra mà trả cổ tức 18%”.

Mối quan hệ "hai trong một" giữa VBEC và chủ nhà yến lớn nhất Việt Nam

Câu chuyện bắt đầu rõ ràng hơn khi Yến Quân cho biết: "Trong ngành du lịch em là người mới. Nhưng trước đó em là chủ nhà yến lớn nhất Việt Nam với lợi nhuận một năm 10 tỷ đồng".

Theo đó, hoạt động chính của VBEC là hoạt động du lịch quảng bá để khách hàng thưởng thức yến thương hiệu của Yến Quân. VBEC bỏ 18 tỷ đồng để thuê mảnh đất thuộc sở hữu của nhà sáng lập và 2 tỷ để mua nhượng quyền thương hiệu Yến Quân.

Trước mối quan hệ giữa VBEC và thương hiệu Yến Quân, ông Dũng bày tỏ: “VBEC như một cái phễu, tất cả do Yến Quân hứng hết".

Ông Phú nói: “Anh cho em vay thì anh cho chứ góp vào công ty lẫn lộn anh không biết đường nào mà lần".

Yến Quân chia sẻ, với vai trò nhà yến, cô đã hoàn thành xong sứ mệnh. Hai công ty không thể sáp nhập chung vì nhà yến Yến Quân là công ty gia đình với hai thành viên, và đồng sáng lập là chị ruột của Yến Quân không đồng tình mô hình kinh doanh của VBEC.

Nhận thấy cấu trúc công ty quá rắc rối, 4 trên 5 nhà đầu tư từ chối đầu tư vào VBEC.

Shark Linh Thái nhanh chóng đưa ra quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cho rằng mô hình kinh doanh của VBEC bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà Yến. Trước những đáp trả của Yến Quân, shark Hưng thẳng thừng:"Người ta bỏ ra 30 triệu đồng/ người thì có thể không điên nhưng bỏ 10 tỷ để đầu tư thì có thể điên thật... Đầu tư một đồng, 10 đồng hay 10 tỷ thì không quan trọng với em. Điều quan trọng là anh không đầu tư!”.

Bên cạnh đó, ông Dzung Nguyễn chia sẻ:"Thông thường một cổ đông, đặc biệt là founder (nhà sáng lập) nắm nhiều công ty khác nhau, điều hành nhiều công ty khác nhau thì lợi ích nhóm cổ đông không thuộc hai công ty là mâu thuẫn. Em sẽ tập trung lợi ích của em cho công ty nắm nhiều hơn, dẫn đến lợi ích của những cổ đông khác ở các công ty khác nhau sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, người ta không thích đầu tư vào founder nắm nhiều công ty cùng một lúc”.

Kế đến, Yến Quân tuyên bố kêu gọi 10 tỷ cho 10% cổ phần, nhưng nếu các nhà đầu tư muốn nắm 51% để quản lý thì cô vẫn đồng ý bởi cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị sa thải.

Trước quan điểm sẵn sàng bán công ty, shark Dzung Nguyen chia sẻ quan điểm nhà đầu tư chỉ đầu tư để nhà sáng lập làm và hỗ trợ để tiếp nhiên liệu cho nền tảng tăng trưởng. Với nhận xét này, Shark Dzung cũng từ chối đầu tư vào Yến Quân.

Cùng với lý do thông tin không rõ ràng, shark Hồng Anh quyết định từ chối đầu tư.

"Vua chảo" Nguyễn Xuân Phú là nhà đầu tư duy nhất sẵn sàng đầu tư vào mô hình kinh doanh gia đình với mối quan hệ sở hữu "nhập nhằng" như VBEC.

mo hinh kinh doanh co quan he so huu phuc tap nhan 10 ty dong tu vua chao
Shark Phú đồng ý đầu tư 10 tỷ đồng vào VBEC. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Ông đồng ý đầu tư 10 tỷ với hình thức trái phiếu chuyển đổi cổ phần, lợi nhuận tối thiểu 18% năm. ĐIều kiện chuyển đổi sang cổ phần sẽ đàm phán sau. Khoản trái phiếu này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của Yến Quân (nhà Yến, thương hiệu Yến Quân), giá trị tối thiểu 120% khoản vay.

Trước lời đề nghị duy nhất, Yến Quân cho biết rất thoả mãn vì lời đề nghị của ông. Cùng với sự tham gia của nhà đầu tư, cô chia sẻ VBEC định hướng từ một công ty quản lý lộn xộn trở thành một công ty rõ ràng, minh bạch và có thể lên sàn chứng khoán trong thời gian sớm nhất.

Xem thêm

Tuệ An